Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 2: Chương 1. Đêm đông tại dưa leo tr.
Tôi co ro đứng giữa gió rét trời đông, hai hàm răng va vào nhau lập cập, chân tay run lẩy bẩy. Sau khi điền xong địa chỉ, tôi đưa lại tờ thông tin và cây bút cho anh nhân viên chuyển phát nhanh, vội vã xoa xoa hai lòng bàn tay, cố gắng phần nào xua tan cảm giác buốt giá trên người.
“Lạnh quá đi mất…”
“Địa chỉ và số điện thoại chính xác chưa đấy?” Anh ta nhận lại tờ giấy, kiểm tra thông tin, còn cẩn thận hỏi tôi thêm một lần nữa.
Tôi nhìn lướt qua những gì mình vừa điền, gật đầu xác nhận. “Không có vấn đề gì.”
“Được rồi, phí chuyển phát là mười tệ,” anh nhân viên vừa nói vừa xếp đồ lên trên xe hàng. “WeChat hay Alipay?”
Cái nào cũng được. Nói riêng về thanh toán qua điện thoại, cả hai đều là những công cụ đắc lực hữu hiệu. Tôi chọn bừa một trong hai cái tên trên màn hình, nhanh chóng chuyển tiền cho người giao hàng.
Mặc dù trời không có gió, tôi vẫn cảm thấy cái rét khắc sâu vào tận trong xương. Ngay sau khi anh ta xác nhận công việc đã hoàn tất, tôi vội vàng quay trở vào trong bấm nút gọi thang máy. Bầu không khí trong thang cũng chẳng ấm áp hơn là bao nhiêu. Vừa về đến nhà, tôi lập tức cởi giày rồi nhào vào phòng mình, lên giường cuốn chăn kín mít.
Không thể không nói, sau khi đã ở miền bắc một thời gian dài, tôi bắt đầu cảm giác xa lạ với cái rét phương nam. Chủ yếu là hệ thống máy sưởi phía bắc đã dần dần lột bỏ khả năng chống chọi với giá lạnh trong tôi. Đến khi trở về miền nam, tôi thực sự không thể chịu nổi luồng khí lạnh luôn quẩn quanh mọi góc trong căn nhà này. Thậm chí, tôi còn bắt đầu nghi ngờ không biết mười mấy năm qua mình đã làm gì để thích ứng được với những mùa đông đáng sợ như vậy.
Đó hoàn toàn là những lời thật lòng, không phải tôi kiêu ngạo hay khoe khoang. Tôi nằm trên giường, ra sức quấn chăn thật chặt, hi vọng nhiệt độ xung quanh mình sẽ tăng lên một chút.
Một lúc sau, khi cái lạnh bắt đầu tản đi, đầu ngón tay tôi đã trở về độ ấm bình thường, tôi lại lục tìm một quyển sách đang đọc dở. Chỉ còn hơn chục trang nữa là xong, tôi rất nóng lòng được biết kết thúc của câu chuyện này.
Lật sang trang sau, tôi nhìn thấy một trong những câu văn khó quên nhất của Bát Nguyệt Trường An trong “Điều tuyệt vời nhất của chúng ta”:
Cậu ấy của mười năm trước là cậu ấy tuyệt vời nhất, còn tôi của mười năm sau mới là tôi tuyệt vời nhất. Nhưng mà điều tuyệt vời nhất của hai chúng tôi lại cách nhau cả một thanh xuân.Khi đọc tới đây, bất chợt tôi muốn khóc. Những câu từ đơn giản kia bỗng nhiên khơi gợi biết bao hồi ức tuổi học trò đã nhạt nhòa từ lâu, khiến tôi thấy nhớ những tháng năm ngây ngô ấy. Tôi không khỏi thở dài buồn bã. Mỗi một lần đọc xong một cuốn sách thanh xuân vườn trường kiểu này, tuổi trẻ đang héo mòn của tôi bỗng dưng lại trở nên giàu xúc cảm. Tôi rất muốn được tự mình trải nghiệm một thanh xuân đầy nhiệt huyết khiến người ta lưu luyến như vậy. Gần đây tôi vẫn luôn nhớ tới thời đi học, cố gắng kiếm tìm cho mình một vài kỉ niệm đặc biệt nào đó, muốn lưu lại trên từng nét bút. Nhưng sau khi nghiền ngẫm cẩn thận suốt hai ngày trời, tôi bỏ cuộc. Ít nhất là cho đến bây giờ, tôi cảm thấy thanh xuân của mình không có gì đáng viết lại cả.
Tôi lại giở sách, tiếp tục đọc. Tôi chưa biết kết thúc của câu chuyện này, nhưng tôi đoán, có lẽ nó sẽ không được vẹn tròn cho lắm.
“Anh ơi, ra ăn cơm đi.” Giọng của Tử Ninh vang lên ngoài cửa.
Chỉ còn đúng mười trang sách, tôi bắt đầu phân vân không biết nên đọc cố hay ra ăn tối trước. Lần lữa hết một phút, tôi vẫn chưa quyết định xong, nhưng đã bất giác lật sang trang khác. Có lẽ kết cục của câu chuyện đối với tôi vẫn mời gọi hơn một chút.
“Anh ơi ra nhanh đi. Mẹ bảo có chuyện muốn nói kia kìa.” Tử Ninh lại tiếp tục cao giọng gọi. Nếu tôi mà không ra ngay, có lẽ con bé sẽ nhảy thẳng vào đây lôi tôi xuống giường ngay lập tức. Hơn nữa, mẹ tôi còn muốn nói chuyện. Cán cân nhanh chóng nghiêng hẳn về một bên. Tôi bỏ quyển sách xuống. Thôi thì lát nữa đọc nốt sau vậy.
“Anh ra đây.” Tôi khoác thêm một chiếc áo lông vũ, bước ra khỏi phòng.
Bố mẹ và Tử Ninh đều đã ngồi sẵn trên bàn, đợi tôi tới ăn cùng họ.
“Con cứ làm cái gì trong phòng thế? Gọi ra ăn cơm cũng chẳng được.” Mẹ cất lời trách móc, lại còn không quên đưa mắt lườm tôi.
“Con đang đọc sách, còn mỗi vài trang nữa thôi nên con định đọc cố nốt rồi ra.” Tôi ngượng ngùng gãi đầu, vừa nói vừa ngồi xuống ghế.
“Thôi được rồi, ăn đi đã.” Mẹ nói, múc cho Tử Ninh và tôi mỗi đứa một bát canh trứng rong biển.
Đó chính là món canh yêu thích nhất của tôi, các loại canh khác không bao giờ có thể sánh được với nó.
“Vâng ạ.” Tôi đáp lời mẹ, nhưng trong đầu chỉ nghĩ tới bát canh trứng rong biển ấm nóng đang bốc hơi nghi ngút trước mặt mình.
“Ăn đồ ở Đại Liên đã quen hơn chưa?” Mẹ vừa cười vừa hỏi.
“Cũng quen quen rồi ạ.” Tôi vừa múc canh vừa đáp.
Mặc dù đã là năm thứ ba, nhưng mỗi lần về nhà mẹ tôi lại hỏi câu này, chưa từng biết chán, cứ như thể tôi vẫn mới chân ướt chân ráo tới Đại Liên thôi vậy.
“Ở đó bao nhiêu lâu như vậy, cũng nên quen rồi.” Bố trả lời thay tôi.
Bố tôi cầm bát, cũng tự múc cho mình một ít canh, xong rồi lại đưa mắt nhìn tôi: “Thời gian trôi nhanh thật đấy. Chỉ còn hơn một năm nữa là con đã tốt nghiệp rồi.”
“Vâng ạ.” Tôi gật đầu tán đồng.
Sau khi ăn xong bát canh, tôi lại xới thêm cho mình một chút cơm, rồi nhìn xuống mặt bàn tràn đầy sắc đỏ, mỉm cười cay đắng. Đã lâu không thấy nhiều món cay tới vậy, không biết khẩu vị của tôi có kém đi chút nào không. Tôi với đũa, gắp lấy một miếng gà cay, nhanh nhẹn bỏ vào mồm.
“Cay quá!” Cảm giác bỏng rát nơi đầu lưỡi đánh thẳng vào hệ thần kinh của tôi.
“Ha ha ha…” Tử Ninh cười phá lên. “Con đã bảo bây giờ anh ý thoái hóa tới mức không thể ăn cay được nữa rồi mà.”
Tôi trừng mắt nhìn Tử Ninh, sau đó lại quay sang nhìn mẹ.
Mẹ tôi cười cười, nhún vai, như thể đang nói
ồ xin lỗi mẹ không biết con không ăn cay nha. Lần nào cũng vậy.
Gần ba năm sống cuộc sống không ớt ở Đại Liên, tôi dần dần đánh mất năng lực chống cự với những nỗi đau do đồ cay mang tới. Mỗi năm trở về nhà, ăn thức ăn mẹ nấu, tôi đều có thể cảm nhận được khả năng ăn cay của mình đang càng ngày càng mai một đi. Hơn hai năm trước khi vừa mới tới Đại Liên một thời gian, món nào không cay tôi đều không đụng đũa. Nhưng mà hai năm sau, tôi đã không thể chịu nổi đồ cay mẹ nấu ở nhà.
“Mẹ ơi, lần sau nấu gì ít cay hơn đi ạ.” Tử Ninh nói với mẹ, còn quay sang nhìn tôi đồng cảm.
“Có tí ớt vẫn ngon hơn mà.” Tôi gắng gượng phản kháng một cách yếu đuối.
“Được rồi được rồi, ăn nhanh đi, thức ăn nguội lạnh hết bây giờ.” Ông bố kiệm lời của tôi xen ngang cuộc trò chuyện của ba mẹ con.
“À, có chuyện này tí nữa thì mẹ quên không nói,” mẹ tôi tiếp tục. “Hôm nay chẳng phải là thứ bảy sao? Hay cả nhà mình cùng đến cù lao Quất Tử xem pháo hoa đi?”
“Con thế nào cũng được ạ.” Tử Ninh nhẹ giọng nói.
“Con…” Tôi có chút bối rối, vừa không muốn làm bà mất hứng, vừa không muốn rời giường dưới cái thời tiết kinh hoàng này. Vả lại mấy hôm trước, tôi cũng mới được xem một màn pháo hoa vô cùng hoành tráng ở Đại Liên. Trước kỳ nghỉ lễ, chính quyền thành phố đã quyết định tổ chức một buổi bắn pháo hoa được mệnh danh là “đẹp nhất lịch sử” tại vịnh Tinh Hải. Ban đầu tôi cũng chẳng có hứng thú ra ngoài trong một ngày giá rét đến thế, nhưng hai cậu bạn cùng phòng cứ nhất định phải lôi tôi đi cho bằng được. Có lẽ cũng bởi lý do này, hiện tại tôi không thấy mặn mà gì với pháo hoa cho lắm.
“Bà định đi đâu thế?” Bố tôi liếc nhìn mẹ, tỏ vẻ không tán thành. “Trời lạnh như vậy, ở nhà ủ ấm chẳng tốt hơn sao? Ra ngoài lăn lộn làm cái gì không biết.”
Mẹ tôi tức thì tỏ ra không vui: “Tử Dương khó khăn lắm mới về nhà được một bữa, cả nhà chúng ta cùng nhau ra ngoài chơi chẳng hay hơn à? Ngày nào cũng ở nhà thì chán chết đi được ấy.”
“Đi xem pháo hoa cũng được ạ, dù sao bên ngoài cũng chẳng lạnh tới mức đó.” Thấy tình hình có vẻ không ổn, tôi vội vã xen ngang vào giữa hai người.
Bố tôi nhìn mẹ, rồi lại nhìn sang tôi, cuối cùng cũng chịu nhượng bộ: “Thế tùy mọi người vậy.”
Bố nói thế, nhưng ông ấy lại là người duy nhất có bằng lái xe trong nhà, dù muốn hay không thì vẫn cứ phải đi cùng chúng tôi.
Cù lao Quất Tử luôn tổ chức bắn pháo hoa đều đặn mỗi tối thứ bảy vào lúc tám giờ, nghe nói là nhằm thu hút khách tới Trường Sa du lịch, nhưng tôi thấy chủ yếu vẫn chỉ có dân bản địa là tới xem thôi. Tôi cũng cảm giác có chút tiếc nuối khi nghe tin hoạt động này sắp phải ngừng hẳn để tập trung cho việc bắn pháo hoa vào các kỳ nghỉ và ngày lễ lớn. Có lẽ chính quyền nơi đây cũng đã để tâm hơn tới vấn đề ô nhiễm môi trường.
Hơn bảy giờ tối, một số lượng lớn ô tô con đổ về phía cù lao Quất Tử. Tuy khu vực này đã có dấu hiệu tắc nghẽn, nhưng cũng may là chúng tôi tới vừa kịp thời gian, không phải chịu trận tại giờ cao điểm.
Bố tôi lái con BYD cũ kỹ, chậm chạp men theo bờ sông Trường Giang. Ông mua chiếc xe này trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của mình. Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng dường như bố vẫn không hề có ý định thay thế nó. Hoặc là không có khả năng.
“Bây giờ bố thả mấy mẹ con ở phía trước, đợi bố tìm được chỗ đỗ xe rồi quay lại sau nhé.”
“Vâng ạ.”
Bố tôi lái xe thêm một đoạn nữa, cuối cùng dừng lại ở dưới chân một chiếc cầu thang dẫn thẳng lên đê. Ba mẹ con tôi xuống khỏi xe, bố lại tiếp tục lái về phía trước. Tôi dõi mắt nhìn theo xe của ông hòa vào đám đông, rồi dần dần khuất bóng, chìm hẳn vào một mảng đèn hậu vô cùng lóa mắt.
Chúng tôi bước đúng hai mươi bậc thang để lên tới bờ đê. Ngay khi vừa đặt bước chân đầu tiên lên đê, một cơn gió rét buốt đã ập thẳng vào mặt tôi. Tôi thực sự muốn lùi bước, nhưng lại chỉ đành cắn răng đuổi theo mẹ và em gái. Xung quanh chúng tôi đã có vô số người tụ tập bên lan can, cùng nhau chuyện trò rôm rả. Ngoài ra còn có không ít người mở quầy hàng ở đây, đầu đội mũ lông, mình khoác áo bông, luôn miệng cao giọng chào hàng không ngớt.
Buổi đêm nhiệt độ hạ thấp hơn ban ngày rất nhiều, chưa kể còn gió lạnh. Tôi cũng không ngờ ở đây lại có nhiều người sẵn sàng đứng đợi như vậy trong cái thời tiết khắc nghiệt này. Còn tận hơn nửa tiếng nữa mới bắt đầu bắn pháo hoa.
Chúng tôi nhanh chóng tìm được một khoảng trống, ngả người lên thành lan can. Qua vài tầng áo quần, tôi vẫn có thể cảm nhận được sâu sắc cái buốt lạnh từ lớp sắt lan can đâm vào da thịt.
Chúng tôi đang đứng ở bờ tây của sông Trường Giang, còn những thành thị sầm uất thì lại nằm bên phía bờ đông. Tôi nhìn qua xuyên qua bờ sông, xuyên qua cả cù lao Quất Tử – trái tim của Trường Giang, trông về phía những tòa nhà cao chọc trời cùng cả biển đèn neon lập lòe cách đó mấy trăm mét. Cùng với ánh đèn nhấp nháy, những cơn gió buốt lạnh quanh tôi cũng quẩn qua quẩn lại không ngừng, tựa như đang cùng nhau biểu diễn một màn ca múa vô cùng long trọng.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, nhưng quang cảnh này vẫn nhắc tôi nhớ đến một số người. Sau đó, tôi lại nhớ tới mình trong những tháng ngày học sinh, lại so sánh với tôi của bây giờ. Tôi hiện giờ đã mơ hồ, đã lạc lõng hơn nhiều lắm.
Đến cái tuổi đa sầu đa cảm, gặp những sự việc dễ khơi gợi cảm xúc của con người như vậy, không khỏi nhớ về những chuyện cũ năm xưa.
“Con có tâm sự gì à?” Mẹ tôi đột nhiên lên tiếng hỏi.
“Không ạ.”
“Thế sao tự nhiên lại đần mặt ra thế?”
“Trời lạnh quá ạ. Không nghĩ tới chuyện khác thì con không quên cái lạnh này đi nổi.”
“Mẹ ơi, mặc kệ anh ấy đi, lại thích tự rước khổ vào người ấy mà.” Tử Ninh nhìn tôi, cười tự mãn.
Tôi trừng mắt nhìn Tử Ninh, xong lại nháy nháy mắt, ngăn không cho con bé kể lể những lời độc thoại nội tâm trong lòng tôi ra với mẹ. Đứa em gái này hình như vẫn luôn đi guốc trong bụng tôi. Có rất nhiều chuyện tôi không muốn nói ra, nhưng nó vẫn có thể nhìn thấu được.
“Trời lạnh thật, nhưng may mà hôm nay gió cũng không to lắm.” Mẹ tôi quay đầu, lẩm bẩm.
“Vâng ạ.” Tôi đã nghe được mẹ nói, không thể không đáp lời.
Từ góc mắt của mình, tôi thấy mẹ đang trầm ngâm trông xuống lòng sông, nhìn nước sông nhẹ nhàng lay động trong gió, không ngừng dập dềnh gợn sóng dưới ánh đèn.
Trong những năm gần đây, mối quan hệ của bố mẹ tôi không được tốt cho lắm. Tôi và Tử Ninh thì lại ở bên ngoài, chẳng mấy khi về nhà. Tôi nghĩ, có lẽ bà cảm thấy cô đơn. Mẹ tôi không giống tôi, ít nhất tôi vẫn còn có các bạn học để trò chuyện tâm sự cùng. Bà chỉ có thể suốt ngày quanh quẩn ở nhà, đối diện với bố tôi.
Tôi nghĩ ngợi một hồi lâu, tìm mãi mà vẫn không ra đề tài gì để nói. Khi tôi còn nhỏ, luôn có vô vàn câu chuyện để chia sẻ cùng bố mẹ, thậm chí cả việc buổi trưa ở trường ăn món gì cũng không hề bỏ qua. Không biết từ bao giờ, tôi lại bắt đầu để ý tới những chủ đề mình định nói, trước khi nói lúc nào phải ngẫm xem chuyện này có thích hợp không, chuyện kia có tẻ nhạt không. Nghĩ qua nghĩ lại một hồi, cuối cùng tôi lại không nói nữa.
Có lẽ đây cũng là lý do tại sao càng lớn tôi càng trở nên cô độc. Tôi đã dần học được cách đọc hiểu bầu không khí xung quanh, nhưng cũng học luôn cả cách xây dựng một bức tường vô hình giữa tôi và những người đối diện.
“Mùa đông Đại Liên có lạnh lắm không?” Mẹ đột ngột quay sang nhìn tôi.
“Nhiệt độ thấp hơn Trường Sa rất nhiều, nhưng cảm giác lại không lạnh bằng ạ.”
Mẹ tôi nhè nhẹ gật đầu, sau đó lại nở nụ cười.
“Chắc là tại ở đây không dùng máy sưởi.” Tôi bổ sung.
Giọng điệu của mẹ nghe có vẻ giống như đang hỏi thật, nhưng tôi nghĩ một người đã từng sống ở Quảng Đông bao nhiêu năm như bà không thể nào không biết chuyện này.
Tử Ninh nhún vai: “Cái này thì con xác nhận. Hồi trước hầu như con chẳng bao giờ phải đụng tới quần áo dày. Thế nhưng về đây quấn đến ba tầng áo trên người rồi mà vẫn còn thấy rét.”
Con bé vừa nói vừa khua tay múa chân như đang mặc đồ lên người thật, khiến mẹ tôi phá ra cười.
Gió đông thổi tung mái tóc dài của mẹ. Bà đưa tay vuốt tóc, quay sang nhìn tôi.
“Tử Dương, con ở Đại Liên đã có bạn gái chưa?”
Tôi tròn mắt ngạc nhiên nhìn mẹ, không hiểu tại sao tự dưng bà lại nhắc tới vấn đề này. “Trước mắt là… chưa ạ. Sao tự nhiên mẹ lại hỏi vậy?”
“Mẹ sợ anh không kiếm nổi một chị dâu tốt về nhà đấy.”
“Mẹ còn chưa nói, em nhiều lời cái gì hả.” Tôi dùng khóe mắt lườm Tử Ninh một cái.
Tử Ninh lè lưỡi trêu ngươi tôi. Đã sắp hai mươi tuổi đến nơi, thế mà lúc nào cũng như đứa trẻ con lớn không nổi vậy.
“Cũng không có gì. Chẳng phải hồi cấp ba con cũng từng yêu đương rồi sao? Mẹ còn tưởng rằng lên đại học mấy đứa sinh viên bọn con còn phải đẩy nhanh tiến độ hơn ấy chứ.” Mẹ tôi lại mở miệng, nhẹ nhàng bâng quơ nói.
Tôi hơi sững người: “Sao mẹ lại biết ạ?”
“Anh, anh đã từng có lịch sử tình ái thật á? Sao em lại không biết nhỉ?” Tử Ninh tiếp tục thêm dầu vào lửa.
Khóe mắt mẹ tôi ẩn chút ý cười: “Chút tâm tư đó của con, chẳng mấy chốc mẹ đã phát hiện ra hết cả rồi.”
Tôi ngượng ngùng gãi đầu gãi tai. Có lẽ mẹ đã nhận ra sự khác lạ của tôi trong khoảng thời gian mấy tháng cuối cấp ba, khi bà từ chức rồi về nhà kèm tôi học hành. Cấp ba chính là quãng thời gian thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh quản chuyện yêu đương của con em chặt nhất. Tôi cũng không rõ có phải mẹ sợ ảnh hưởng đến chuyện thi cử của tôi nên mới không nói ra hay không.
“Anh từng yêu thật à? Mau kể với mẹ và em đi.” Lòng hiếu kỳ của Tử Ninh hiện rõ mồn một trên mặt con bé.
“Thực ra… cũng đâu có tính là chính thức gì đâu.”
“Hả? Nghĩa là sao?”
“Không có gì.”
Không phải là tôi không muốn Tử Ninh tiếp tục đào sâu vào vấn đề này, mà là tôi không muốn bóng hình thân thuộc kia lại một lần nữa hiện lên rõ nét trong đầu mình.
Dòng hồi tưởng của tôi đột ngột bị đứt quãng bởi sự ồn ã bất chợt của những người xung quanh. Tôi quay đầu nhìn về phía đám đông đang náo động đó, thấy một chiếc đèn trời đang hờ hững bồng bềnh trôi giữa không trung. Tôi không thể nhìn rõ người thả đèn là ai, nhưng hiển nhiên ánh mắt của tất cả mọi người hiện giờ đều đã dán lên chiếc đèn đó. Nó nương theo chiều gió lướt mình trên mặt sông, sau đó mới từ từ bay lên. Còn có một hai lần chiếc đèn hạ độ cao đột ngột, khiến cho mọi người ầm ĩ xôn xao. Ở đây, thả một chiếc đèn trời vào mùa đông quả thực không phải là chuyện dễ dàng. Nói cho cùng thì một ngọn lửa yếu ớt le lắt giữa gió đông có thể đưa chiếc đèn đi xa tới đâu cơ chứ?
Nhưng mà cuối cùng, chiếc đèn kia vẫn đã thành công len được vào trong vòng tay ôm ấp của trời đêm. Mãi cho tới khi đốm sáng le lói ấy biến mất hẳn vào hư vô, tôi mới rời mắt sang chỗ khác.
“Cái đèn đó đẹp quá, vừa rồi mà chụp được thì tốt.” Tử Ninh thở dài tiếc nuối.
“Ừ nhỉ!” Mẹ tôi nghe vậy, tức thì rút điện thoại ra. “Lâu rồi không chụp ảnh hai đứa, bây giờ làm một tấm đi.”
Bà cầm di động, đang chuẩn bi giơ lên chụp ảnh cho chúng tôi thì bị Tử Ninh ngăn lại. “Lấy điện thoại con đi mẹ, độ phân giải cao hơn, làm còn tự động làm đẹp nữa.”
“Đấy là tự lừa dối chính mình đó.” Tôi nhìn Tử Ninh châm biếm.
“Hứ, mặc kệ em.” Tử Ninh hếch mặt.
Mẹ tôi cầm lấy điện thoại của con bé, lùi về sau vài bước. “Nào, tạo dáng đi.”
Tôi nghĩ một lúc mà không nghĩ nổi ra cái dáng gì. Lớn tới ngần này tuổi đầu, tất cả những gì tôi biết làm khi đứng trước ống kính chỉ là đứng im bất động. Sau một lúc ngẩn ngơ, tôi quyết định sử dụng kiểu tạo hình kinh điển nhất.
“1, 2, 3…”
“Yeah!”
Mẹ bấm nút chụp. Trong nháy mắt đèn flash sáng lên, tôi lập tức giơ hai ngón tay trên đầu Tử Ninh, mà con bé cũng nhanh như chớp giơ hai ngón tay trước mặt tôi. Khoảnh khắc đó, sự ăn ý kia khiến cả hai đứa tôi bật cười ha hả.
Mẹ cũng cười, đứa điện thoại cho chúng tôi xem. “Trông được không?”
Tôi cầm điện thoại lên xem. Ngay cả một dân ngoại lai như tôi cũng chỉ liếc mắt là thấy phong cách nghiệp dư trong tác phẩm của bà, độ phân giải cao cũng không thể bù lại được. Nhìn khuôn mặt hai đứa sáng lóa trên màn hình, đột nhiên tôi lại muốn phá ra cười lần nữa.
“Mẹ lấy nét sai rồi. Khi mà lấy nét bằng tay ấy, phải hạ màn hình xuống thấp một chút thì mới lấy được cả người, nếu không chỉ lấy được mỗi mặt thôi.” Tôi vừa nói vừa làm mẫu hai lần. Bà nghe rất cẩn thận, gật gật đầu, rồi lại chụp thêm đôi tấm nữa.
Ba người chúng tôi thay phiên nhau chụp hình cho hai người còn lại, chờ khi nào bố quay lại thì nói bố chụp cho ba mẹ con sau. Tất nhiên, tốt nhất vẫn là nên nhờ một người qua đường bấm một kiểu ảnh cho cả nhà chúng tôi. Nếu tôi nhớ không lầm, gia đình tôi đã không có bức ảnh nào chụp chung từ rất lâu, rất lâu rồi.
Sau một hồi chụp tới chụp lui, chúng tôi mệt mỏi tựa mình vào lan can. Những cơn gió rét buốt vẫn không ngừng ập đến, nhưng cơ thể tôi cũng đã có thêm chút độ ấm sau khi lăn lộn với mẹ và em nên cũng không còn cảm giác quá lạnh như vừa nãy nữa.
Chẳng bao lâu sau, tâm tư của Tử Ninh lại quay ngược trở về chiếc đèn khi nãy. “Con còn chưa được thả đèn trời bao giờ cả. Mẹ, anh, hay mình cũng mua một cái thả thử đi?”
“Ừ, tất nhiên là được, nhưng mẹ cũng chưa thả bao giờ. Còn Tử Dương thì sao?” Mẹ quay đầu hỏi tôi.
“Cũng không rành lắm ạ. Nhưng trước kia con từng thử qua một lần, cũng có biết sơ sơ.”
“Anh chỉ cần biết cách thả là được rồi. Đi đi, chúng ta đi mua đèn nhé?” Tử Ninh kéo tay mẹ và tôi tới một tiệm đồ chơi nhỏ cách đó không xa, bên ngoài ghi biển có bán đèn trời.
Trong cửa tiệm còn có hai người khác cũng đang dẫn con nhỏ tới chọn mua đèn. Tử Ninh lách người vào trong, ngồi xổm xuống đất, chỉ vào chỗ để đèn rồi hỏi giá, sau khi xác nhận giá bán không quá đắt mới bắt tay vào chọn. Có lẽ con bé đã ngóng trông ngày này từ rất lâu, vẻ mong đợi hiện rõ trên từng nét mặt. Ông chủ cửa tiệm vẫn không ngừng lải nhải về các mặt hàng khác bên cạnh bọn tôi, nhưng Tử Ninh hoàn toàn mặc kệ ông ta, chỉ tập trung lựa đèn. Thực ra, tôi vẫn có chút lo lắng mấy cái đèn kia sẽ không bay lên nổi, đặc biệt là dưới kiểu thời tiết như thế này.
“Hôm nay đông người, dân ngoại đạo như mấy đứa con thả đèn khó lắm. Hay để hôm khác tới chỗ nào vắng vắng người rồi thả sau đi.”
Bố tôi đi vào cửa tiệm, có lẽ đã đỗ xe xong xuôi rồi.
“Nhưng mà con muốn thả mà.” Tử Ninh cự nự, nhưng cũng dừng không chọn nữa.
“Ở đây lắm người quá. Dù sao hai đứa cũng về nhà nhiều ngày, để lúc khác thì hay hơn.”
“Hứ, không thả thì không thả.” Từ nhỏ tới lớn, người Tử Ninh khó chống lại nhất vẫn luôn là bố. Một khi ông ấy đã không đồng ý, con bé cũng chỉ bướng bỉnh được thêm vài giây là cùng.
Cuối cùng, Tử Ninh không mua đèn nữa. Chúng tôi bỏ về lan can dưới ánh mắt thất vọng của ông chủ tiệm.
“Tử Dương, Đại Liên năm nay thế nào?”
Bố tôi vừa miệng đã hỏi câu này, khiến tôi có chút dở khóc dở cười. Vừa mới xong, mẹ cũng hỏi một câu tương tự. “Tàm tạm ạ.”
Bố tôi nhìn nụ cười gượng gạo trên mặt tôi, có lẽ cũng đoán được phần nào nguyên nhân, không hỏi thêm gì nữa. Dù cho bây giờ tôi đã trưởng thành, dù cho bây giờ tôi vẫn còn đang yên lành đứng trước mặt bố, ông vẫn muốn biết cuộc sống của tôi thế nào sau khi tha hương. Có lẽ đó chính là tấm lòng của tất cả những bậc làm cha làm mẹ trên khắp thế gian này.
“Tử Ninh thì sao? Đi làm có ổn không?”
“Cũng ổn ạ, trước mắt không có vấn đề gì.”
Con bé dựa lưng vào lan can, nét mặt thoáng rầu rĩ vì những chuyện trong quá khứ.
Khi nhắc tới việc Tử Ninh đã phải tự mình bươn chải ngay sau khi rời khỏi ghế nhà trường, cả tôi lẫn bố mẹ đều có chút hụt hẫng trong lòng. Con bé nhỏ hơn tôi một tuổi, vậy mà vẫn bước chân vào xã hội sớm hơn tôi nhiều lắm.
Tôi vẫn còn nhớ rõ chuyện của bảy năm trước, khi Tử Ninh tham gia kỳ thi đầu vào của các trường cấp ba. Lúc đó, học sinh vẫn chỉ được điền duy nhất một nguyện vọng. Con bé đăng ký ngôi trường tốt nhất khu vực, nhưng lại thiếu mất một điểm. Sau khi nản lòng thoái chí, nó chọn nhập học trong một ngôi trường khác có số lượng học sinh ứng tuyển gần như chỉ là con số không tròn trĩnh. Năm mười tám tuổi, thành niên, Tử Ninh lập tức bỏ đến mảnh đất nơi bố mẹ tôi đã từng sống qua những tháng ngày nghèo khó. Bố mẹ cũng chưa từng học đại học. Họ của năm đó cũng giống như Tử Ninh, học xong cấp ba liền đi ra ngoài làm thuê cho người ta, bởi vậy cả hai người đều hiểu rất rõ sự khó khăn gian khổ khi đi theo con đường ấy. Thế nhưng riêng chuyện này con bé lại nhất quyết không chịu nghe lời chúng tôi, nó cứ khăng khăng làm theo ý mình. Tôi biết bây giờ, mặc dù ngoài mặt Tử Ninh vẫn luôn tỏ ra hoạt bát phóng khoáng, nhưng nhất định trong nội tâm vẫn còn chất chứa oán thán cùng không cam lòng.
“Tử Ninh, giờ con có còn muốn thi đại học nữa không?”
Quả nhiên, với tính cách của bố tôi, cuối cùng cũng không nhịn được mà trực tiếp hỏi thẳng con bé. Tử Ninh không trả lời, chỉ lẳng lặng tựa mình vào lan can.
“Bây giờ con còn nhỏ, cố gắng học hành thêm một năm nữa, đi thi đại học cũng không phải là chuyện ngoài tầm với. Con nhìn anh con đó, có học lại một năm cũng chẳng phải là việc to tát gì…”
“Hai mươi tuổi không còn nhỏ nữa rồi.” Tử Ninh vẫn đứng im bất động, giọng điệu phảng phất bi thương.
“Bố à, nếu em nó không muốn nói thì thôi đã vậy.” Tôi xen ngang vào cuộc đối thoại của hai người. Dưới sự dẫn dắt của bố tôi, câu chuyện càng ngày càng trở nên lúng túng. Khó khăn lắm gia đình tôi mới được dịp cùng nhau ra ngoài một chuyến, tôi không muốn phá hỏng bầu không khí hân hoan vui vẻ vừa rồi.
Bố tôi thở dài, hết nhìn Tử Ninh rồi lại quay sang nhìn tôi, cuối cùng cũng chẳng nói thêm gì nữa. Ông xoay người, định châm một điếu thuốc. Sau đó hình như bất chợt ý thức được mình đang ở chỗ đông người, lại cất điếu thuốc kia đi.
“Bố vẫn nhớ lần đầu tiên cả nhà chúng ta tới đây, Tử Dương mới chỉ có mười tuổi, Tử Ninh cũng mới chín tuổi. Vậy mà bây giờ hai đứa đã lớn tới nhường này rồi.”
Hình như ông cũng biết đề tài vừa nãy đã khiến Tử Ninh không vui nên đành chuyển hướng đi chỗ khác. Sự cứng nhắc trong giọng điệu của bố khiến tôi không khỏi cảm thấy có chút buồn cười.
“Vâng.” Tôi chẳng biết đáp lại điều gì, chỉ đành gật đầu tỏ ý tán đồng.
Gần mười năm đã qua, trên khuôn mặt từng một thời trẻ trung của bố đã hằn in không ít vết tích của thời gian. Chỉ có điều, những vết tích ấy lại không rõ ràng cho lắm. Không chỉ mỗi tôi, tất cả mọi người đều không để tâm tới những thay đổi nhỏ nhặt này. Bây giờ ngoảnh đầu nhìn lại, mới không ngờ thời gian lại trôi nhanh tới vậy.
“Bố vẫn nhớ khi còn nhỏ, Tử Dương lúc nào cũng bảo muốn tới Thanh Hoa.” Bố tôi cười cười, những nếp nhăn hiện rõ nơi khóe mắt.
“Lúc ấy là con nhỏ tuổi thiếu hiểu biết, ai mà ngờ được thi vào Thanh Hoa lại khó tới vậy chứ.” Tôi có chút ngượng ngùng.
“Nhưng giờ con cũng đã thật sự đi học đại học rồi mà.”
“Cơ mà vẫn chưa hoàn thành được mục tiêu hồi đó.”
“Chỉ hơn một năm nữa thôi là con cũng phải bước chân vào cái xã hội này rồi.”
Bố bình thản nhìn tôi, nhưng tôi lại muốn lảng tránh ánh mắt của ông.
“Con đã có dự định gì cho tương lai chưa? Đi làm luôn hay là học lên thạc sĩ?”
Đây chính là vấn đề tôi muốn tránh né nhất. Trong lòng tôi bật cười cay đắng.
Mỗi khi nghĩ tới chuyện ra trường, bản thân tôi vẫn luôn hoang mang mơ hồ, chưa từng dám đối mặt thẳng thắn bao giờ. Tôi cũng có ước mơ riêng của mình, giống như những người khác muốn trở thành luật sư, họa sĩ hay đạo diễn chẳng hạn. Tôi muốn trở thành một nhà văn, một nhà văn có thể viết nên những câu chuyện ấn tượng lay động lòng người, khơi gợi những xúc cảm sâu xa nhất trong trái tim người đọc. Nhưng bản thân tôi vốn không có thiên phú, không phải kiểu thiên tài chỉ thử một lần là đã thành công. Từ cấp ba đến đại học, tôi đã gửi bài vô số lần, lòng tràn ngập niềm tin về tác phẩm của mình, nhưng đáp lại vẫn luôn là lời từ chối.
Tôi bắt đầu hoài nghi. Phải chăng là do mình không thích hợp với cái nghề này? Hay phải chăng là do mình kém cỏi? Tôi vẫn luôn muốn thử thách bản thân, nhưng càng nhiều năm tháng trôi qua, con đường trước mặt lại càng lúc càng mờ mịt hơn. Tôi biết nếu vẫn còn tiếp tục kiên trì sáng tác, tôi sẽ không đủ thời gian ôn tập để thi vào cao học. Ngược lại, nếu tập trung ôn thi cao học, tôi sẽ phải bỏ bẵng chuyện viết lách trong một khoảng thời gian rất dài, càng ngày càng trượt xa khỏi mơ ước của mình. Nhưng một khi tôi đã quyết chí chuyên tâm sáng tác, nếu đến tận khi ra trường vẫn không gặt hái được chút thành tựu gì, thì sau này, tôi vẫn sẽ phải vì miếng cơm manh áo mà chấp nhận lăn lộn ngoài xã hội, từ bỏ mộng tưởng của mình mà thôi.
Những việc này tôi đều đã từng nghĩ qua, nhưng lại không đủ can đảm để đối diện trực tiếp. Vậy là tôi bắt đầu lừa gạt chính bản thân mình, ảo tưởng mình vẫn còn nhiều thời gian, chuyện sau này để sau hẵng nói. Nhưng mà thời gian, trên thực tế, lại chẳng hề nể mặt tôi.
“Con vẫn còn chưa quyết định ạ.”
Tôi không dám nhìn thẳng vào mắt bố, chỉ đành quay sang nhìn mẹ. Từ nãy tới giờ, bà vẫn yên lặng lắng nghe cuộc trò chuyện của ba bố con tôi. Những việc như vậy, mẹ tôi chưa từng can thiệp vào chí hướng của tôi bao giờ. Tựa như hồi đó tôi nhất quyết học lại thêm năm nữa, bố tôi còn hơi chút tỏ ý không tán đồng, còn mẹ tôi lại chỉ mỉm cười, nói tôi hãy quyết định như thế nào để sau này không phải hối hận là được.
Mà ngay lúc này đây, khi tôi quay đầu nhìn mẹ, bà cũng đang mỉm cười với tôi. Đối mặt với nụ cười hiền dịu tràn ngập tin yêu này, tôi cảm thấy có chút xấu hổ.
“Nếu quyết định học lên thạc sĩ, hiện giờ chuẩn bị ôn tập là vừa rồi phải không? Chưa đầy một năm nữa là đã tới kỳ thi, mà bố nghe nói thi cao học cũng chẳng dễ dàng hơn thi đại học chút nào,” bố tôi nói lời thấm thía. “Còn nếu muốn đi làm thì cũng phải chuẩn bị dần thôi. Con theo ngành kỹ thuật, ít ra những kiến thức học được trong trường cũng đủ để tự mình kiếm sống.”
“Vâng ạ.”
Tôi bất chợt thất hồn lạc phách. Trong lòng tôi biết rõ bố lo lắng cho mình nên mới lựa lời đề cập tới những chuyện này, nhưng lời của bố lại vô tình đè thêm vào gánh nặng vốn có đã sẵn trên vai tôi.
Tôi muốn nhìn đồng hồ một chút xem còn bao lâu nữa mới bắn pháo hoa. Vừa lấy điện thoại ra, thứ đầu tiên đập vào mắt tôi không phải thời gian, mà là mấy thông báo mới. Từ trưa tới giờ tôi chưa hề sờ vào điện thoại nên những thông báo này đều khá cũ rồi. Lời bố tôi vẫn còn đang văng vẳng bên tai, nhưng tôi hoàn toàn không nghe được gì nữa. Tôi bấm vào màn hình điện thoại, ánh mắt lập tức dán lên một dòng thông báo có email mới. Tôi biết rất rõ đây là email gì, chắc chắn là hồi âm bên tạp chí gửi lại cho tôi.
“Bố ơi, con sang phía bên kia một lát, có gì tí lại nói sau ạ.”
Tôi ngẩng lên nhìn bố. Ông thoáng thay đổi nét mặt, nhưng vẫn gật đầu.
Tôi cầm điện thoại rời khỏi lan can, đi tới một đoạn đê cách đó tương đối xa.
Đã lâu rồi không nhận được email, tôi có chút sốt ruột lo lắng trong lòng, thầm hi vọng đây sẽ là một tin tức tốt. Tôi bấm mở email. Nội dung bên trong rất đơn giản, đơn giản đến mức tôi hoàn toàn không thể tin nổi.
Trả bản thảo.Trong nháy mắt, tôi cảm thấy như sợi dây mỏng manh cuối cùng trong tim cũng đã phựt đứt, đến thở cũng khó khăn. Cổ họng tôi như mắc phải xương, nhức nhối đến không thể thốt nên thành lời. Tôi cứ vậy mà cầm điện thoại, nhắm nghiền hai mắt.
Từ lần đầu tiên tôi gửi bài năm năm trước, đây đã là lời từ chối thứ ba mươi mốt rồi.
Tôi mở mắt ra, một lần nữa nhìn xuống ba chữ đơn giản đến không thể đơn giản hơn kia. Trong bóng tối, độ sáng của màn hình điện thoại đâm nhức mắt tôi. Tôi không nhịn được mà lấy tay xoa xoa đôi mắt. Một vài giọt nước chảy xuôi. Cho dù có nhìn thêm mấy lần, kết quả vẫn không có gì thay đổi. Cuối cùng, tôi đóng hòm thư lại, trong lòng không còn vấn vương chút mộng tưởng hão huyền nào nữa.
Vài phút sau đó, lồng ngực tôi vẫn còn nặng trịch, cảm giác hít thở không thông. Loại cảm giác này chưa thể so được với cơn đau lúc thất tình, nhưng về mặt ý nghĩa thì còn thống khổ hơn rất nhiều. Tôi giống như một con cá ướp muối, đã lăn qua lộn lại trong đau xót không biết bao nhiêu lần, cuối cùng vẫn bị bỏ vào chảo chiên, chịu đựng giày vò khổ sở. Từ lúc thấy thông báo cho tới lúc đọc nội dung, tâm lý của tôi có thể được miêu tả hoàn hảo chỉ bằng vỏn vẹn bốn chữ: tụt dốc không phanh.
Lại một lần nữa thất bại. Tôi đã thất bại nhiều tới mức cho rằng trái tim mình đã hóa đá từ lâu, một hai tin nhắn từ chối nữa cũng không thể làm tôi dao động. Nhưng lúc này đây, tôi lại khó chịu, khó chịu tới mức muốn bật khóc tức tưởi, khóc lớn ra thành tiếng. Nhưng tôi không thể khóc. Nơi này có người nhà, có người xa lạ, có ngàn vạn người sẽ không bao giờ hiểu nổi vì sao tôi lại tự dưng đứng khóc ở đây. Lúc này mà khóc lóc, chỉ tổ khiến bản thân càng đau thương, càng phiền não.
Trong năm năm vừa qua, tôi không ngừng thử hết lần này tới lần khác, lần nào cũng bị đánh cho bầm dập tả tơi. Ngoài thở dài não nề ra, tôi chẳng biết còn cách nào có thể khiến cho lòng mình nhẹ nhớt. Có lẽ những người không tài cán gì đã được định sẵn phải đối mặt với loại phiền muộn này. Cho dù họ có biết bản thân mình chưa đủ năng lực, cho dù họ đã cố gắng chỉnh sửa thiếu sót của mình không biết bao nhiêu lần, họ vẫn sẽ mãi mãi không thể chạm tay tới tiêu chuẩn của một người sáng tác. Những câu chuyện ấy, bất kể tôi đã tưởng tượng tốt tới thế nào, dưới ngòi bút của tôi cũng vẫn trở nên nhạt nhòa thấp kém. Tôi không biết những nhà văn có tiếng kia liệu đã từng nếm thử những trải nghiệm cay đắng như tôi hay chưa, nhưng tôi biết, hi vọng thành công của mình đã càng ngày càng mỏng manh xa vời.
Ý niệm từ bỏ lại một lần nữa chiếm cứ đại não của tôi. Tôi thực sự đã cố gắng rất nhiều, cố gắng qua không biết bao nhiêu lần nếm mùi thất bại. Bây giờ từ bỏ không có nghĩa tôi chưa từng đấu tranh cho mộng tưởng của bản thân. Có lẽ lúc này tôi thực sự nên nghe lời bố, chăm chỉ học hành, tranh thủ thi lên thạc sĩ, sau đó ra trường phấn đấu tìm một công việc thật tốt, rồi cứ thế yên yên ả ả sống nốt cuộc đời này.
Chỉ là, tôi vẫn chưa thể cam lòng.
Tôi hít sâu vài lần, gắng gượng bình tâm trở lại, không muốn để cho bố mẹ phát hiện ra bất cứ điều gì khác thường. Tôi vẫn còn nhớ năm mình học lớp sáu, lần đầu viết một tiểu thuyết giả tưởng vô cùng trẻ con. Tôi hồ hởi đưa tác phẩm đầu tay của mình cho bố mẹ xem, còn dõng dạc tuyên bố muốn trở thành một nhà văn thực thụ. Không có ai trong số hai người tỏ ra hứng thú, có lẽ họ đều cho rằng đó chỉ là chút xúc động nhất thời của một đứa trẻ mà thôi. Thế nhưng sự lạnh nhạt của bố mẹ đã hằn thành một khúc mắc in đậm trong lòng tôi, nhiều năm sau vẫn chưa thể gỡ bỏ dù chỉ một phần nho nhỏ. Tôi không muốn trải lòng với hai người bọn họ về ước mong của mình, ít nhất là trước khi tôi thành công.
Tôi quay trở lại lan can, tựa mình vào đúng chỗ tôi vừa rời đi ban nãy.
“Có chuyện gì thế con?” Mẹ tò mò hỏi.
“Thông báo thực hành xã hội trong kỳ nghỉ đông ở lớp ạ.” Khi tôi nói dối, câu trả lời thuyết phục hơn rất nhiều.
Thời điểm cận kề giờ bắn pháo hoa, khu vực này càng ngày càng trở nên đông đúc, nhưng đồng thời cũng lạnh lẽo dần đi. Tôi hà hơi vào hai lòng bàn tay, nhìn sang phía bờ sông bên kia. Có vô số tòa nhà cao tầng ở đó, ánh đèn điện cũng rực sáng hơn bên đây không biết bao nhiêu lần. Từng cơn gió lạnh buốt phả vào mặt tôi. Nhưng khi trông về ánh sáng nơi bờ bên kia, tôi lại không muốn di chuyển nữa. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi này, tôi chỉ muốn để cho trái tim mình được thư thả nghỉ ngơi, không nghĩ ngợi, không muộn phiền.
“Tử Dương… Tử Dương?”
“Dạ?” Tôi bất chợt nhận ra bố đang kêu tên mình.
“Con đang nghĩ cái gì thế?”
“Không có gì. Vừa rồi bố vừa nói gì ạ?” Đầu óc tôi trống rỗng.
“Bố hỏi là sau này, con muốn ở lại Đại Liên hay quay về đây?”
“Con vẫn còn chưa quyết định chắc chắn ạ.”
“Nơi nào cũng vậy, dù con muốn khởi nghiệp hay tìm một công việc nào đó, trước mắt vẫn cần phải học tốt chuyên ngành kỹ thuật trên trường cái đã, có thế sau này mới thạo việc được.” Bố tôi vẫn tiếp tục chủ đề ban nãy.
Tôi cúi đầu, không muốn ngắt lời ông. Từ nay về sau, hẳn là bố sẽ không còn nhiều chuyện để có thể bảo ban tôi nữa. Có lẽ ông muốn truyền đạt hết kinh nghiệm vùng vẫy trong cái xã hội này lại cho con. Chỉ có điều, tôi cũng đã nói qua rồi, tạm thời tôi chưa muốn để chuyện công việc trở thành một vướng mắc khác trong lòng mình.
“Phía đông bắc là cái nôi của ngành công nghiệp nặng, ngành học của con có thể sẽ có đất dụng võ ở đó. Nhưng mà ở chỗ mình cũng có nhiều công ty phù hợp với con lắm, chẳng hạn như…”
Điện thoại của tôi bất chợt reo vang, cắt ngang cả lời của bố lẫn dòng suy nghĩ của tôi. Tôi nhích người ra khỏi lan can, rút điện thoại ra xem ai gọi tới.
Là số của Tử Ninh.
Tôi nhìn về phía đó, thấy con bé đang nháy mắt với mình.
Tôi cũng mỉm cười đáp lại. Mục đích của Tử Ninh, đương nhiên tôi hiểu rõ. Đều đã từng ở trong những tình cảnh ngượng ngập như vậy, hai anh em chúng tôi có thể gọi là tâm ý tương thông. Tôi cũng không muốn lãng phí ý tốt của con bé. May mà bố tôi chưa kịp nhìn thấy màn hình điện thoại của tôi. Tôi vội vàng từ chối cuộc gọi của Tử Ninh, sau đó nhanh như chớp mở danh bạ gọi bừa một số khác, rồi vờ vĩnh đưa điện thoại lên tai. Ở trong tình huống đặc thù thế này, gọi ai không quan trọng, chỉ cần sau đó giải thích một chút là được rồi. Tôi chỉ đơn thuần là không muốn gượng gạo nghe bố thuyết giáo nhiều hơn nữa.
“A lô, có chuyện gì thế ạ?” Ngay khi tiếng “bíp” báo hiệu có người nhấc máy vang lên, tôi liền liến thoắng khua môi múa mép, sau đó từ từ rời khỏi vị trí mình đang đứng, làm bộ như đang chăm chú lắng nghe.
“Lăng Tử Dương, đầu óc cậu có vấn đề gì không đó? Gọi điện thoại cho người ta mà lại hỏi có chuyện gì?” Đầu dây bên kia là một giọng điệu dở khóc dở cười vô cùng quen thuộc.
Sự quen thuộc ấy dậy nên chút hoài niệm xa xăm trong lòng tôi. Trong giây lát, tôi bất chợt cảm thấy may mắn, may mắn người tôi gọi lại là cậu ấy.
“Cậu là, Bạch Hạo Vũ?”
“Cậu chập mạch thật rồi đó hả? Gọi điện cho tôi mà lại không biết tôi là ai sao?” Cái người đang nói bắt đầu nghi ngờ tôi thực sự mắc bệnh tâm thần.
Tôi đột nhiên bật cười thành tiếng: “Hóa ra đúng là cậu đấy à?”
“…”
“Lâu lắm rồi không liên lạc, tôi không ngờ cậu vẫn giữ số điện thoại này.” Tôi nói.
“Tôi sợ mấy người thân quen không liên lạc được với mình nên chưa từng đổi số,” giọng nói của Bạch Hạo Vũ đã bình thường trở lại. “Thôi đừng vòng vo nữa, cậu gọi tôi có chuyện gì vậy?”
“Không có chuyện gì mới gọi. Nếu có chuyện thì tôi đã không gọi cho cậu rồi.” Tôi đổi tay cầm điện thoại, đút bàn tay đã đông cứng kia vào trong túi áo.
“Lâu rồi không liên lạc, vậy mà logic của cậu vẫn điên đảo như xưa,” Bạch Hạo Vũ ngưng lại trong giây lát. “Học bá à, cậu tha cho tôi đi, tôi thực sự không hiểu cậu đang nói cái quái gì cả.”
Nghe được giọng điệu châm chọc của cậu ta, lớp sương mù trong lòng tôi cũng tản đi một chút. Tôi cười khe khẽ, nhẹ giọng kể với cậu ấy chuyện vừa mới xảy ra ở đây.
“Thì ra là vậy à?” Bạch Hạo Vũ cũng phì cười. “Cậu đúng là gian trá thật đấy.”
“Cậu thì biết cái gì? Đây gọi là cái khó ló cái khôn.”
“Là thiểu năng trí tuệ thì có.”
Tôi vừa định mở miệng phản bác, nhưng nghĩ kỹ một hồi, lại thấy câu này Bạch Hạo Vũ nói quả thật không sai.
“Mà này, hôm nay bỗng dưng nghe được điện thoại của cậu, tự nhiên tôi lại thấy thời gian trôi nhanh thật đấy.” Bạch Hạo Vũ thở dài.
“Thời gian có bao giờ chậm lại chút nào đâu.”
“Chính xác. Lần trước liên lạc với nhau chúng ta đều đang phải học lại, thế mà bây giờ đã sắp tốt nghiệp đại học tới nơi rồi.”
“Trong số tất cả các bạn học lớp mình chắc cũng chỉ còn tôi và cậu là vẫn phải đang chật vật ở năm thứ ba đại học thôi nhỉ.”
“Không phải chắc mà là chắc chắn. Cái chuyện đau khổ như học lại năm nữa, có phải ai cũng có thể quyết tâm được đâu.” Giọng nói của Bạch Hạo Vũ phảng phất chút bất đắc dĩ.
“Tái ông mất ngựa, không biết là họa hay là phúc. Ít nhất là cả hai đứa mình vẫn vào được đại học.”
“Ha ha, nói thế cũng chẳng sai.”
“Đừng quên là tại vì chúng ta học lại, cậu và Lương Thuần mới có thể thuận buồm xuôi gió được như thế đó.” Tôi trêu cậu ta.
Bạch Hạo Vũ đương nhiên hiểu tôi nói đến chuyện gì, từ tiếng thở trong ống nghe tôi cũng biết cậu ta đang che miệng cười trộm. Lúc nào cậu ấy cũng thích tự mình vụng trộm vui mừng như vậy, chẳng khác gì đứa con nít lên ba.
“Cái chuyện học tiếp cao học hay ra ngoài tìm việc, mấy đứa bạn cùng lứa với bọn mình chắc cũng đã xác định xong hết rồi phải không?”
“Có lẽ vậy.” Tôi khe khẽ thở dài. Những thứ rối bời trong đầu bọn họ lúc trước, hiện tại đã tới lượt tôi.
“Cuối năm ngoái Lương Thuần cũng vừa mới thi lên cao học xong, kết quả một tháng nữa sẽ có.”
“Cậu ấy thi thế nào?” Tôi hỏi, cũng có chút quan tâm thật lòng.
“Có vẻ ổn, nhưng trong thời gian chờ kết quả thì vẫn đang đứng ngồi không yên.”
“Có lẽ cũng giống như hồi thi đại học ấy nhỉ.” Tôi cười cười, mang máng nhớ lại cảm giác của mình vào khoảng thời gian ấy.
“Báo cho cậu một tin sốt dẻo khác nè, tôi cũng chuẩn bị thi đó.”
“À thế cơ à? Không quan tâm.”
“Chẳng phải do cậu vẫn luôn mù tịt thời sự thế giới nên giờ tôi mới phải đảm nhiệm trọng trách đi đưa tin cho cậu đó sao?”
“Thế hẳn là tôi nên cảm ơn cậu rồi, tin tức trọng đại thật đấy.”
“Khỏi cảm ơn, không có gì đâu.”
Mặc dù đã lâu không buôn chuyện với Bạch Hạo Vũ, chúng tôi vẫn không bỏ được thói quen cà khịa đối phương.
“Thực ra tôi cũng có chút lo lắng về chuyện thi lên thạc sĩ, nhưng mà Lương Thuần đang định sang đây kèm tôi. Cuộc sống gia đình của bọn tôi sau này nhất định sẽ dễ chịu vô cùng. Còn cậu và Dương…”
“Bùm!”
Một tiếng nổ lớn xé ngang bầu trời, tất cả mọi người xung quanh cũng bắt đầu xôn xao. Tôi không thể nghe rõ Bạch Hạo Vũ nói gì ở đầu bên kia cả.
Tiếng pháo hoa bùm bụp nổ vang lên nối tiếp nhau. Pháo hoa nở càng rực rỡ, bốn bề càng trở nên náo động.
Tôi vội vàng chạy ra xa, tìm đến một không gian vắng vẻ ít bóng người, áp điện thoại vào chặt một bên tai và đưa tay bịt kín tai còn lại.
“Cậu vừa nói gì vậy?”
“Bên kia cậu đang làm gì đó? Tôi nghe có vẻ ồn ào lắm. Có nghe rõ tôi nói không?”
“Đang đi xem bắn pháo hoa.”
“Cậu cũng rảnh thật đấy, trời lạnh thế này mà còn mò ra đường ngắm pháo hoa cơ à.”
“Đấy là cả một câu chuyện dài. Thôi, tiếp tục đi, vừa rồi cậu vừa nói gì?”
“À, chẳng có gì quan trọng cả.” Bạch Hạo Vũ đánh trống lảng, nhưng từ cái thái độ ấy tôi cũng có thể đoán ra cậu ta vừa nhắc tới chuyện gì. Tôi nhắm mắt giả ngơ, làm bộ như không hề hay biết, cũng không gặng hỏi thêm nữa.
“Mà giờ cậu đang ở Đại Liên hay ở Trường Sa vậy?”
“Đang trong kỳ nghỉ, tất nhiên là về Trường Sa rồi.”
“Thế có thời gian tụ tập một chút không?” Bạch Hạo Vũ nghiêm túc nói.
“Cậu cứ như vậy làm tôi lại nhớ đến ngày xưa.” Tôi lại trêu cậu ta.
“Quên ngày xưa đi, hiện tại rốt cuộc là có gặp nhau được không?”
“Ừ.”
“Ừ là ý gì?”
“Ừ tất nhiên là có rồi. Nhiều năm như vậy mà vẫn chẳng hiểu ý nhau gì cả!”
“Nói thì nói rõ ra đi, làm gì mà cứ ngập ngừng như đàn bà con gái thế.”
“Cậu…”
Tôi vừa định đôi co tiếp, nhưng cuối cùng mở miệng ra lại bật cười ha hả. Thứ cảm giác này vô cùng quen thuộc, tựa như đột nhiên lại quay trở về thời cấp ba, khi vừa mới gặp Bạch Hạo Vũ lần đầu. Thứ cảm giác này, khiến tôi cảm thấy thật an yên, thật thoải mái dễ chịu.
Đằng sau lưng tôi, một màn pháo hoa nở rộ thành muôn hình vạn trạng, tiếng nổ vang ầm trời, tiếng hò reo cũng vọng khắp bốn phương.
Ba năm rưỡi trước, tôi và Bạch Hạo Vũ nói lời tạm biệt sau lễ tốt nghiệp. Ba năm trước, cậu ta đột nhiên gọi vào số của tôi, chúng tôi gặp lại nhau sau nửa năm trời đằng đẵng chia xa. Mà hôm nay, trong lúc lơ đãng, tôi lại gọi vào số cậu ấy, chúng tôi lại hẹn gặp nhau thêm lần nữa. Tôi không khỏi cảm thán. Nếu không phải do sự trùng lặp ngẫu nhiên này, có lẽ tôi sẽ vẫn chưa tin vận mệnh lại là thứ diệu kỳ đến thế.
Gặp lại nhau, mới chỉ là khởi điểm mà thôi.