Skip to main content
logo-truyenbiz.net
Dưa leo tr Đam Mỹ Chim Sơn Ca Trong Túi Áo Chương 28: 28: Nếu Vậy Thì Anh Là Gì Giữa Bọn Họ

Chương 28: 28: Nếu Vậy Thì Anh Là Gì Giữa Bọn Họ

10:10 sáng – 31/08/2024

Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 28: 28: Nếu Vậy Thì Anh Là Gì Giữa Bọn Họ tại dualeotruyen


Phó Yến cài khuy tay áo sơ mi, thấy màn hình sáng lên, rủ mắt đọc tin nhắn: Bố mẹ bắt đầu đi rồi.
Ông nội Phùng là người gia trưởng, tuy không khắt khe đến mức trọng nam khinh nữ song lại rất coi trọng trật tự, khuôn phép giữa vợ chồng và con cháu.

Tại các cuộc hội họp dòng họ có quy định: con cháu trưởng thành luôn phải có mặt đầy đủ trước khi cha chú xuất hiện.
Kỳ thực, nguyên cớ của quy định này là ông nội mong muốn các thành viên trong một gia đình đi chung với nhau để thể hiện sự hòa thuận.

Ông nội không thích kiểu hỏi đến mà cha mẹ còn không biết lý do con mình đi muộn.

Con cháu trưởng thành, tự lập thì cũng là ruột thịt, sum vầy gia đình mà cũng không đi chung với nhau được thì bình thường còn xa cách thế nào?
Người già không thích nhìn thấy con cháu lục đục.
Năm nay, Phó Yến đến muộn.
Quản gia đứng ở cửa lộ vẻ thở phào, tựa hồ chỉ còn chờ mỗi anh thôi, rồi theo vào, cũng không hỏi anh tại sao đến muộn như với người khác.
Tiệc tất niên năm nay có vẻ đông đúc hơn mọi năm.
Phó Yến cùng mẹ và dượng đi chúc Tết họ hàng, khách khứa rồi lánh riêng ra một nơi, nhàn nhã nhìn khu vườn màu ngọc bích dưới ánh nắng tươi đẹp.
Tiền thân của ngôi biệt thự nhà họ Phùng là tài sản thuộc về một thương nhân ngoại quốc thời chiến.

Kiến trúc đậm chất cổ xưa, ngoài mấy nơi đổ nát và xuống cấp cần sửa chữa thì bốn mặt tiền hậu vẫn cổ kính y nguyên.

Ông nội rất tiết kiệm và không thích phô trương.
Phó Yến nếm chút rượu nho, nhìn đồng hồ đeo tay, đang suy nghĩ không biết Lâm Xuân Tư về tới quê chưa thì nghe giọng nữ gọi.
Bạn gái cũ Khương Nịnh mặc váy tay ngắn dài đến bắp chân, vai quấn khăn lông vũ, khuôn mặt kiều diễm vừa quen vừa lạ như đã cách mấy xuân thu.

Cô nhướng mày bông đùa: “Thật đau lòng, nhìn anh như thể không nhớ em là ai vậy.”
“Chào cô Khương.” Phó Yến mỉm cười, không ứng khẩu.
“Em muốn xin lỗi anh.

Vừa nãy thái độ của bố em không tốt.” Khương Nịnh nghiêm túc nói: “Bố em cứ khăng khăng là anh phải làm sai trước thì em mới muốn chia tay.”
“Không sao, tôi không để bụng.”
“Nhưng em để bụng.” Cô chỉ ngón tay sơn móng hồng: “Nãy giờ em thấy anh nhìn đồng hồ bốn lần rồi.

Tết nhất thì chắc hẳn không phải vì công việc, anh đang chờ đợi cái gì hay là…!ai hửm?”
Phó Yến cười cười: “Đá tôi rồi mà em vẫn ghen à?”
“Em không phục.

Bỏ thời gian yêu đương đến suýt tự đào hố chôn thân mà vẫn không làm anh rung động với em.

Thế nên em có quyền được biết ai cao tay hơn mình.”
“Em nói phải, tôi đúng là đang chờ một người.”
Khương Nịnh liếc nhìn cửa: “Em có vinh hạnh được gặp ai đó không?”
“Tiếc là không thể.”
Cô ồ một tiếng, quấn lọn tóc uốn xoăn nói: “Lúc đó em cáu anh thật đấy.

Mặc dù biết là bất lịch sự nhưng em không nhịn được muốn làm anh bẽ mặt cho hả giận.

Vậy mà sau đó anh cũng chẳng gọi điện hay nhắn tin nửa lời hỏi em tại sao chia tay, làm em có cảm giác mình điêu ngoa thất thường.

Nghĩ lại vẫn tức.

Phó Yến, sao anh giỏi chọc tức người khác vậy hả?”
Phó Yến kiên nhẫn mỉm cười.
Khương Nịnh trừng mắt: “Anh đã nghĩ gì trong đầu khi có ý định qua loa kết hôn với em? Nó khiến em cảm thấy bị xúc phạm.

Còn anh: không biết trân trọng chính mình thì làm sao người khác trân trọng anh? Em thấy đồng cảm với bạn gái hiện tại của anh đấy, chắc chắn là đã bị anh chọc tức không ít lần.

Tức giận làm con người lão hóa đó anh biết không? Em còn lâu mới già nhanh!”
Nàng tiểu thư đỏng đảnh hứ, coi như đã hả dạ bao cảm xúc dồn nén, lịch sự gật đầu rồi dời gót ngọc.
Nhưng đi được dăm bảy bước, cô lộp cộp quay lại, hất cằm: “Hôn lễ của anh nhất định phải mời em.


Em sẽ tặng cho cô dâu thứ tốt nhất chống lão hóa.”
Phó Yến nhìn tấm lưng cô nàng đi xa, khẽ lắc chất rượu sóng sánh suy nghĩ: hôn lễ à…
Khách khứa bỗng nhắc nhau dừng hàn huyên, ăn uống.

Ông nội Phùng lộc cộc chống gậy ba toong đi xuống lầu, cùng với một người đàn ông mà ở đây khó có ai chưa biết.
Người này có tác phẩm đã giành được đề cử phim điện ảnh xuất sắc nhất cuối năm ngoái.

Tuy biết danh tính và cả danh tiếng của hắn song mọi người vẫn quá đỗi ngạc nhiên vì hắn đi theo vị gia trưởng họ Phùng.
Lục Lương Cát hòa nhã lên tiếng: “Đầu tiên, tôi xin dành một niềm cảm kích to lớn từ tận đáy lòng với chủ tịch Phùng, ngài chính là nhà đầu tư lớn nhất của bộ phim nhựa mang lại giải thưởng cao quý cho tôi.”
Khách khứa đồng thời thốt lên âm thanh ngạc nhiên.

Tin tức này chưa từng được công bố.
Phó Yến cũng lần đầu nghe, liếc mắt nhìn một vòng.

Chú Hai là phó chủ tịch nên chắc chắn biết chuyện, Phùng Kính trước giờ không quan tâm, hai người làm anh ngoài ý muốn là Diệp Đình Châu và Phùng Nghiêu vẫn ung dung.
Lục Lương Cát chúc Tết, đoạn tươi cười bảo: “Cháu rất mong hai nhà chúng ta có thể hợp tác dài lâu.”
Ông nội Phùng cười nhàn tản.
Lời này rơi vào tai những ai nặng lòng riêng liền ngấm ngầm hiểu về cách gắn kết hợp tác giữa hai nhà: liên hôn.

Cậu hai Phùng đã đính hôn với cô nhỏ Lâm.

Cô cả Phùng cũng đã gả chồng.

Cô hai Phùng thì còn chưa thành niên.
Chỉ còn lại đứa cháu trai không cùng huyết thống…
Phó Yến uống cạn chút rượu còn sót lại, đặt ly xuống bàn rồi rời khỏi.
Bước qua mái vòm hoa, anh nhìn thấy một con sóc nâu thoăn thoắt trèo lên cây bạch quả.

Dưới chân xích đu có mấy khóm thủy tiên dính sương đêm ướt át, hai thiếu nữ không biết trốn ra ngoài lúc nào đang chụm đầu xem điện thoại.

Nhận ra có người, gái út của chú Hai giật thót: “Anh họ.”
“Hai cô làm gì mà lén lút ngoài đây hửm?”
Con gái cả của cậu Út, Diệp Phiến phẩy tay: “Trong đó đông người quá, tụi em ngột ngạt nên lẻn ra đây.

Em trai em cũng đang chơi hockey kia kìa.”
Phùng Diệu Ý cười chúm chím lướt điện thoại: “Em đang cho bé Phiến xem chồng mới của mình.

Anh nhìn nè.”
Chồng mới của con bé là chàng trai mà Phó Yến đang tâm niệm.

Bức ảnh chụp góc nghiêng của Lâm Xuân Tư khi hoàn thành diễn tấu, nét mặt mãn nguyện treo nụ cười ngạo nghễ, đôi mắt ngậm ánh đèn rực rỡ, mồ hôi chảy xuôi trên yết hầu.

Chụp rất đẹp.
Phó Yến cầm điện thoại của Phùng Diệu Ý, thưởng thức bảo: “Em đi nhà hát Lớn à?”
“Em giành được ghế lô đẹp nhất đấy, giơ điện thoại hơn nửa tiếng đồng hồ chụp ảnh.” Cô bỗng thấy anh bấm lia lịa thì la lên: “Anh làm gì đấy? Trả em!”
Phó Yến để con bé giật lại điện thoại.

Phùng Diệu Ý bật dậy khỏi xích đu, mếu máo: “Ảnh của em đâu? Sao anh xóa ảnh chồng em rồi?”
“Cuối cấp rồi, cô lo học tập đi.

Chẳng thì anh không giúp cô giữ vé đu thần tượng nữa.”
Cô hai Phùng bí xị dụi khóe mắt khô queo, ôm cánh tay Diệp Phiến ngồi lại xuống.
Phó Yến lánh đi, mở tin nhắn lên lưu lại từng bức ảnh vừa gửi qua từ máy của Phùng Diệu Ý.

Con bé này biết chụp ảnh thật đấy.
“Anh họ coi cái gì vậy?” Diệp Lãng đột ngột ghé đầu vào vai anh.


Phó Yến thụi cùi chỏ vào ngực nó: “Cậu mọc từ dưới đất lên hay gì mà đi không phát ra tiếng động?”
Nó cười hì hì: “Em nghe bố bảo anh họ lái xe giỏi lắm.

Hay là anh dạy em nhé?”
“Năm nay cậu mới bao tuổi?”
“Anh họ xem em này, nhìn còn trưởng thành hơn hẳn anh chị cấp ba.

Anh châm chước cho em tập lấy nền tảng sớm đi.”
Diệp Lãng mê bóng rổ từ nhỏ, lại tham ăn háu uống, may là không bị phình bề rộng mà tăng chiều dài.

Nó mới mười bốn tuổi, tướng tá cứ như tuyển thủ.
Phó Yến đẩy nó ra: “Muốn thì bảo bố cậu dạy cho.”
Anh chưa đi mấy bước thì nghe nó khích, “Anh họ sợ bác Cả chứ gì? Bố em cũng sợ bác Cả, hai người hay chơi chung với nhau là vì vậy phải không?”
Phó Yến thấy thằng trẻ nghé này rất buồn cười, quay lại nói: “Ba giờ chiều nay anh chở cậu đi lên đèo, chỉ cần cậu xuống xe không run chân thì anh chiều.”
“Quân tử nhất ngôn!”
Tan tiệc, Phó Yến theo quản gia lên phòng sách của ông nội.

Ông cụ đã hơn bảy mươi mà vẫn còn khỏe và minh mẫn lắm, các nếp nhăn khéo khắc sâu vẻ uy nghiêm, lỗi lạc.
Lục Lương Cát chụm tay trên đầu gối mỉm cười với anh.
“Ngồi đây với ông.” Ông Phùng hiền lành thăm hỏi Phó Yến vài câu rồi nói: “Ta với ông bà Lâm đã bàn bạc thống nhất hôn lễ của thằng Hai sẽ tổ chức vào quý ba năm nay.

Vì thế sau Tết ta sẽ bổ nhiệm nó làm Tổng Giám đốc.
“Ta biết quyết định này thật có phần bất công với cháu.

Tại vị trí phó tổng, cháu chưa từng làm gì thất trách và đáng lẽ nên được thăng chức.

Nhưng công ty Lưu Sa trước sau cũng phải đưa cho thằng Hai, mà ta thì không thể để cháu làm công ăn lương dưới trướng thằng Hai được.

Như thế ta và chú Hai con sẽ không biết nhìn mặt Phùng Kính thế nào.”
Phùng Kính là con trai trưởng, sản nghiệp của nhà họ Phùng vốn dĩ nên dành cho ông thừa kế.

Song ngày xưa ông bí mật ghi danh vào trường cảnh sát, lại còn chạy đi nằm vùng.

Vậy là chú Hai đùng một cái trở thành người thừa kế.

Có thể nói sản nghiệp của gia đình là do anh cả nhường lại cho chú Hai.

Tuy nhiên, kẻ ngoài cuộc nhìn vào thì chưa chắc sẽ nghĩ vậy nên đôi khi địa vị của hai anh em có hơi lúng túng trước mặt người ngoài.

Do đó, nếu Phó Yến làm công ăn lương dưới cơ Phùng Nghiêu thì có thể sẽ khiến người ta nghĩ rằng ông nội thiên vị bên này mà khinh dể bên kia.
Mà để Phó Yến thăng chức rồi bị kẹp giữa bố con chú Hai lại càng không được.

Cân nhắc tiến lùi, Ông Phùng quyết định: “Ta đã kí hợp đồng đối tác lâu dài giữa Lưu Sa và Nhữ Quyết, cháu hãy rời Lưu Sa qua đó.

Tuy ta vẫn không thể thăng chức cho cháu nhưng thằng nhỏ Lục sẽ không bạc đãi cháu.”
“Khụ.” Lục Lương Cát ho khan, thằng nhỏ Lục trong lời ông cụ là bố ruột của hắn.
“Vâng, cháu hiểu.” Phó Yến đã sớm biết trước chuyện này, thế nên hai năm đổ về đây cũng không còn mặn mà với Lưu Sa: “Nhưng cháu có một yêu cầu.”
“Cứ nói thẳng.

Ta sẽ thỏa mãn cháu.”
“Đây không phải yêu cầu của cháu nhưng cháu sẽ rời Lưu Sa khi nào muốn, ông an tâm là sẽ không lâu đâu.

Còn yêu cầu của cháu là: có một bản hợp đồng ở công ty mà cháu muốn được toàn quyền quyết định trên đó.

Thậm chí là sẽ mang nó theo đến Nhữ Quyết.”

Lời nói này hết sức trần trụi.

Đôi mắt ông nội thâm thúy, nhìn qua người thứ ba.
Lục Lương Cát đáp: “Đưa cháu xem trước hợp đồng đó, cháu có thể cân nhắc với bố.”
“Quyết định vậy đi.”
Quản gia mời hai người trẻ tuổi ra ngoài.

Lục Lương Cát cười cười: “Vậy là xem như anh bị ông nội gả qua công ty tôi rồi.”
Phó Yến đi phía trước, không buồn đáp.
“Bản hợp đồng mà anh yêu cầu là của cậu Lâm phải không?” Hắn nói tiếp: “Nếu đúng là vậy tôi sẽ chấp thuận liền.

Tôi đã chú ý tới cậu ấy ngay từ đầu, ngược xuôi rồi cũng về một nhà, quả là duyên phận.”
Phó Yến quay phắt lại, vươn tay giật mạnh khuy áo trên cùng của hắn ta: “Phản ứng chậm quá.

Nếu trong tay tôi có vật sắc thì anh đã giãy đành đạch như cá chết trên sàn.”
“Tết nhất, anh nên kiềm chế cái miệng độc địa.” Hắn xoa yết hầu: “Tôi có chút tò mò: anh nói thẳng ra thế kia cứ như ông Phùng chưa từng đánh anh vì chuyện đồng tính vậy, hay ông chấp nhận anh rồi?”
Ánh mắt Phó Yến lạnh xuống rõ ràng.
Lục Lương Cát nhún vai, chào tạm biệt.
Buổi chiều, Phó Yến cầm chìa khóa xe của cậu Út say bí tỉ, đi ra trước cổng.

Diệp Lãng tràn trề nhiệt huyết chui vào xe hỏi: “Sao anh lái xe bố em?”
“Anh dại gì mà trao tay lái xe của mình cho cậu?”
Diệp Lãng mặc niệm cho xe của bố.
Phó Yến bảo: “Thắt đai an toàn chắc vào, chớ để anh ôm cua mà răng cậu hôn cửa kính.”
“…”
Sau đó, Diệp Đình Châu tỉnh rượu, đi lục tìm khắp nơi: “Chìa khóa xe của tui đâu? Xe tui đi đâu rồi? Tui là ai? Tui đến đây bằng cách nào?”
Phó Yến vừa vào nhà, nghe vậy đáp: “Xe của cậu nổ lốp trên đèo, cháu gọi cứu hộ rồi.”
Diệp Đình Châu ngơ ngác: “Vì sao xe của cậu nổ lốp? Lại còn đi lên đèo? Nó muốn ngắm cảnh hả?”
Hỏi xong, chú thấy Diệp Lãng bụm miệng, xanh mặt lảo đảo đi vào.

Chú nhíu mày: “Mày bị sao đấy con?”
Phó Yến mỉm cười: “À, em họ bị say xe.”
Cậu Út: “…!Từ lúc sinh ra đến giờ, nó chưa từng bị say xe.”
“Hôm nay cậu đã được trải nghiệm cảm giác say xe rồi.” Phó Yến vỗ vai Diệp Lãng.
Diệp Lãng: “…”
Phó Yến cho hai cha con không gian tâm tình, kiểm tra điện thoại, vẫn chưa thấy Lâm Xuân Tư nhắn tin, tinh thần xẹp lép như quả bóng xì hơi.

Lông mi ủ rũ cụp xuống, anh nhắn cho cậu: Em về tới nơi chưa? Đi xe có mệt lắm không?
“Anh họ.” Diệp Phiến tủm tỉm đi đến: “Có phải anh đang yêu không?”
“Trông anh giống như vậy à?”
“Lúc đi lên anh còn đang cao hứng vì trêu bố với em trai em, vừa xem điện thoại xong liền buồn.

Chắc hẳn là bị ai đó làm ảnh hưởng tới cảm xúc rồi.” Thiếu nữ nháy mắt: “Trực giác của phụ nữ.”
Phó Yến cười ruồi: “Cô soi mói bố mình nhắn tin với bạn gái nên biết chứ gì?”
Diệp Phiến phụng phịu: “Em không hiểu nổi bố.

Rõ ràng tụi em đã lớn thế này rồi mà bố vẫn có ý định tìm vợ kế.

Cho dù bố cưới về thì tụi em cũng có chịu gọi mẹ đâu.

Ở với nhau cứ gượng ép, thà không cưới còn hơn.”
“Cô là người đuổi hết bạn gái của cậu Út đi à?”
Con bé im lặng, ngầm thừa nhận.

Phó Yến không mặn không nhạt nói tiếp: “Anh chỉ cho cô hướng suy nghĩ này: cô đừng nghĩ là bố tìm mẹ kế cho cô, mà hãy nghĩ là bố cô muốn tìm một người vợ cho mình.”
Diệp Phiến sững sờ: “…!Bố có tụi em còn chưa đủ hay sao mà còn cần vợ nữa?”
“Cô tự nghĩ xem: con cái với bạn đời, mặt lợi thế nào, mặt hại thế nào? Trước đây anh cũng giống như cô, bài xích mẹ anh cưới người đàn ông khác, cực kì ghét dượng.

Nhưng dần dần anh chấp nhận rồi: mẹ anh cần một người chồng, dượng cần một người vợ.

Đôi lúc vấn đề chỉ đơn giản là vậy.”
Phó Yến đi qua cô bé.

Nó chợt hỏi: “Nếu vậy thì anh là gì giữa bọn họ?”
“Anh cũng không biết.

Vì thế, anh mới cần tìm kiếm tình yêu cho riêng mình.”

Mười giờ tối, Phó Yến lấy thuốc ngủ ra, nhìn nó đăm đăm rồi cầm điện thoại, tựa vào cửa sổ sát đất nhấn nút gọi.

Hơi lạnh từ cửa kính thấm qua lớp áo len mỏng, như chiếc lưỡi có gai liếm láp da thịt.
Cuộc gọi nhỡ.
Ánh mắt dời từ khu vườn âm u tới những viên thuốc ngủ.

Mím môi, gọi lại.
Trong căn phòng yên ắng chỉ có tiếng gió rít qua khe kính và âm tiết tút… kéo dài từ điện thoại.

Ánh mắt Phó Yến liên tục chuyển dời giữa những tán cây đen ngòm và thuốc ngủ như đang trong một cuộc đấu tranh thầm lặng.
Lâm Tinh Tinh…!em đang làm gì vậy? Tại sao không bắt máy? Em có ổn không? Sẽ không có chuyện xảy ra với em chứ?
Lâm Tinh Tinh, em làm ơn nghe máy được không?
Ngón chân tái nhợt cuộn lại trên sàn nhà, gò má áp vào mặt kính.

Phó Yến cảm thấy không gian căn phòng đang thu nhỏ lại và chất đầy tuyết lạnh.

Khí áp thay đổi khiến anh khó thở.
Phó Yến co rúm trên sàn nhà, tìm kiếm mọi tin tức về khu vực và con đường Lâm Xuân Tư đi về.

Mỗi lần cuộc gọi ngắt, trái tim anh lại một lần thắt chặt.
Bên ngoài tối om.

Anh bị nhốt trong chiếc hộp lạnh giá.

Trên bàn là những viên thuốc độc.
Cuộc gọi nhỡ.
Không một tin nhắn.
Phó Yến kiệt lực nhắm mắt lại, cảm thấy mình thua rồi, chống tay đứng dậy, thất thểu cầm lấy thuốc ngủ.
Bấy giờ, chuông điện thoại đổ.
Anh đánh rơi những viên thuốc, hấp tấp bắt máy.
“Phó Yến?”
Chất giọng của chàng trai sưởi ấm cơ thể anh.

Phó Yến thấy mũi cay cay, đáp: “Ừm.”
“Em vừa về nhà, cũng chỉ vừa mới thấy tin nhắn của anh.

Buổi sáng xe của chúng em gặp trục trặc, điện thoại hai đứa đều hết pin nên em không trả lời anh được.

Lúc về tới nhà bác Kỷ thì đã muộn, em cắm sạc xong rồi chạy long đong nhiều thứ quá nên quên.

Em làm anh lo phải không? Xin lỗi.”
“Không sao.

Em bắt máy là được rồi.”
“Phó Yến, đừng gạt em, nghe giọng anh như sắp khóc vậy.”
Bị bóc trần, Phó Yến thấy hốc mắt cũng nóng lên, muốn khóc thật.

Trước mặt Lâm Xuân Tư, anh chẳng che giấu được gì cả.
“Em xin lỗi, khiến anh lo rồi.” Cậu ôn tồn: “Anh đang ở đâu?”
“Tôi ở nhà chính.”
“Ý em là anh đang ở tình trạng nào? Ngồi trên sàn hay là ghế sofa.

Mau lên giường ngủ cho em.”
Phó Yến ngoan ngoãn làm theo, nói: “Báo cáo, đã lên giường đắp chăn.”
Lâm Xuân Tư bật cười: “Giường của anh rộng không?”
“Giường đôi.”
“Anh ít trở mình nhưng lại thích giường rộng nhỉ? Chẳng nhẽ đôi khi anh sẽ ngủ chung với anh chị em?”
“Không có!”
“Em đùa thôi.” Lâm Xuân Tư thở dài: “Phó Yến, em lỡ làm anh đau lòng mất rồi, phải đền bù thế nào đây?”
Em về sớm một chút.

Phó Yến muốn nói nhưng kìm lại, cuộn tròn trong chăn, khẽ nói: “Em hát cho tôi nghe nhé?”
“Được.

Anh mở loa ngoài đi.”
Chim sơn ca vì anh mà dốc sức cất tiếng hót xuyên qua đêm tối, gom bi hoan của thế gian tiến vào cõi trần ai..