Skip to main content
logo-truyenbiz.net

Chương 2

11:09 chiều – 08/09/2024

Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 2 tại dưa leo tr

Tàu chậm ung dung băng qua cây cầu trên sông Tùng Hoa. Vương Nhuệ ngồi trên hàng ghế ba chỗ ngay sát lối đi, muốn nhìn ra ô cửa, anh phải thò người rướn cổ như con ngỗng.

Tên mập ngồi cạnh cửa hút thuốc phì phèo, hắn ta hồn nhiên nuốt mây nhả khói, che khuất cả phong cảnh bên ngoài.

Vương Nhuệ không nhìn được sóng nước lấp lánh và con thuyền phiêu du trên mặt nước như mọi lần, anh không khỏi cụt hứng. Định bụng đứng dậy sang chỗ khác ngắm cảnh, tàu hỏa đã chạy xình xịch qua cây cầu.

Vương Nhuệ không thích ngắm đồng ruộng, hồi ở Hạ Tam anh đã bán mặt cho đất bán lưng cho trời suốt bao năm ròng. Nhà anh mấy đời đều làm nông, hồi đầu xuân khi anh vừa tốt nghiệp cấp hai đã bị bố đưa về thôn Hạ Tam làm nông. Lời dạy bảo cửa miệng của bố luôn là: Học lắm chữ cũng chẳng biến ra cơm.

Vương Nhuệ là con thứ ba trong nhà, hai anh chị sinh đôi lớn hơn cũng đều là nông dân, họ chỉ học hết tiểu học, trong nhà có mỗi anh được học đến cấp hai. Việc đầu tiên Vương Nhuệ làm khi về thôn Hạ Tam là ra đồng lao động với bố, dưới ánh mặt trời ấm áp, anh vừa trông ngô vừa khóc thút thít.

Mùa ngô năm đó bội thu, nguyên nhân chắc chắn vì chỗ hạt giống ấy thấm đẫm nước mắt của anh.

Lâm Tú San nhỏ hơn Vương Nhuệ hai tuổi. Lúc diễu trâu đi cày, Vương Nhuệ thường bắt gặp Lâm Tú San ngồi máy kéo ra quê đi học thêm cuối tuần. Thôn Hạ Tam chỉ có trường tiểu học, Lâm Tú San cũng học đến cấp hai như anh nên phải ra quê đi học. Trong số đám con gái học đến cấp hai, Vương Nhuệ chỉ chấm đúng Lâm Tú San.

Tuy cô trông bình thường, nhưng luôn tươi tắn niềm nở như thể chẳng biết ưu tư là gì. Vương Nhuệ biết gia đình Lâm Tú San cũng nghèo khó như nhà mình, anh trai cô cưới vợ còn phải đi vay tiền, sau khi bố bị liệt nửa người gia đình càng túng thiếu, xem chừng học hết cấp hai cô cũng sẽ đi làm nông giống anh.

Hồi đó tuy mới mười bảy nhưng Vương Nhuệ đã thầm hạ quyết tâm phải cưới bằng được Lâm Tú San. Quả nhiên, hai năm sau, Lâm Tú San lóc cóc xách hành lí về trở thôn Hạ Tam.

Lâm Tú San không đến mức nghỉ học cái liền tủi thân xuống ruộng làm đồng trong nước mắt như Vương Nhuệ, cô hăng hái nhặt đá ven đường bắn chim sẻ. Hễ bắn trúng một con, cô lại bật cười khanh khách. Kẻ lặng lẽ bám theo cô là Vương Nhuệ nghe tiếng cô cười mà lòng thấy ruộng nương thôn Hạ Tam bỗng trở nên bao la, bầu trời cũng cao vời vợi.

Xưa kia anh ghét bỏ thân trâu nặng mùi, chán ghét loài ve ồn ào trên cây, ghét phải làm lụng dưới ruộng ngô nắng nóng, cũng chẳng ưa cảnh ráng chiều đỏ chói như mào gà.

Giờ đây anh nhận ra mọi thứ đều quá đỗi đáng yêu. Anh để ý thấy Lâm Tú San thích ca hát, liền ngày ngày dậy sớm ra ruộng ngô luyện mở giọng. Nào ngờ ngũ âm khuyết thiếu, anh không sao hát tử tế hết một bài, từ đó đâm ra nhụt chí.

Về sau nghĩ Lâm Tú San thích hát, vậy ắt hẳn cũng sẽ thích tiếng kèn ác-mô-ni-ca, thế là anh xin gia đình mua một cái kèn. Bố anh kiên quyết phản đối, ông bảo kèn ác-mô-ni-ca đắt bằng cả đống tiền thức ăn, không thể lãng phí thế được. Anh trai anh cũng góp ý rằng nông dân mà a dua thổi ác-mô-ni-ca, người ta nhìn vào sẽ bảo mình không lo làm việc cho đàng hoàng, không nên mua, hơn nữa mua về anh cũng chẳng biết thổi, đồng nghĩa rước về nhà một thằng câm.

Vì vụ này mà Vương Nhuệ tuyệt thực ba ngày, mẹ anh sợ anh xảy ra bất trắc, bèn kín đáo nhét cho anh một trăm đồng. Trong thôn chẳng có bóng dáng tiệm nào bán kèn ác-mô-ni-ca, Vương Nhuệ ra quê tìm cũng không có, anh lại trèo lên xe đường dài ra huyện, cuối cùng cũng ẵm được chiếc kèn về nhà như ý nguyện.

Giây phút chiếc kèn thuôn dài bèn bẹt nằm gọn trong tay, anh thấy mình như đang nắm lấy bàn tay Lâm Tú San.

Loại Vương Nhuệ mua khá rẻ, anh rất ưng hai hàng ô vuông màu lục khảm trên thân kèn, cảm giác như bên trong mọc đầy cây cỏ xanh biếc. Loại kèn đắt nhất có dăm kèn bằng đồng thì được khảm các ô vuông màu đỏ.

Vương Nhuệ nghĩ, thổi loại kèn này sẽ khiến môi anh toác máu, máu chảy vào thân kèn sẽ làm mất cảm giác tươi đẹp của nó. Mẹ cho anh một trăm đồng, trừ lộ phí đi lại và tiền mua bánh nướng lót bụng, số tiền còn lại chỉ đủ đưa anh về đến cửa hàng nhà họ Trương. Vương Nhuệ dứt khoát cuốc bộ từ đấy về nhà.

Dọc đường, có hai xe vận chuyển nông sản ba bánh lái qua. Đói bụng thì nhổ trộm củ cải ăn; khát nước thì lại bên hồ vốc nước uống; đêm đến nằm co ro ngoài đồng hoang ngắm bầu trời đầy sao. Rút chiếc kèn ác-mô-ni-ca thổi một cách khoan thai, anh cảm thấy mỗi nốt nhạc đều tỏa ánh hào quang, chúng bay lên trời cao, khiến những vì sao càng thêm lấp lánh.

Lúc anh rước chiếc kèn dấu yêu về đến nhà, có một cô gái nhà ở thôn kế bên đang đợi anh. Cô gái này do bà mai Kim Lục dẫn tới. Bà Kim Lục có hàm răng vàng ruộm, nhưng bộ răng của bà đáng giá hơn những bộ răng vàng khác của người dân thôn Hạ Tam, vì đây là răng “vàng”, bàn tay bà còn xỏ đầy nhẫn vàng nữa kìa. Bà là người lắm của nhất trong thôn, không cần làm ruộng, chỉ cần dựa vào nghề se duyên làm mối, đủ để bà sống không lo nghĩ.

Vương Nhuệ cũng tài giỏi, dáng người cao gầy, mặt mày góc cạnh sắc nét, sống mũi thẳng tắp, mắt không quá to nhưng rất có thần, hơn nữa lại sống kiệm lời, bà Kim Lục phán anh có tướng “quý nhân”, chỉ tiếc đầu thai phải nhà nghèo.

Bà sớm đã ngỏ lời với bố anh, muốn mối cho nhà ông cô con dâu xinh đẹp nhất trăm dặm đổ lại. Cô gái bà dẫn đến quả thực rất xinh xắn. Mặt trái xoan, cặp mày lá liễu cong mảnh, sống mũi và khuôn miệng cũng hài hoà, đôi mắt hạnh nhân nhìn người đượm tình kia hễ liếc Vương Nhuệ một cái liền che miệng tủm tỉm. Vương Nhuệ nhìn cô thì lạnh lòng, trái tim anh chỉ chứa hình bóng của cô gái tầm thường Lâm Tú San.

Mẹ anh lặng lẽ kéo anh vào nhà bếp, nói: “Con bé này kém con một tuổi, đẹp quá còn gì! Bố người ta là trưởng thôn Thủy Dương, hai anh trai đều thành gia lập thất hết rồi, anh cả là hộ chuyên nuôi lợn, anh hai là cục trưởng Cục chăn nuôi, gia cảnh khá lắm!”

Vương Nhuệ đi đi lại lại, người mệt đừ như con lừa chở đá cả ngày, định bụng về nhà làm bát cháo nóng rồi ngất ra giường thì trên trời rơi xuống một “em Lâm”.

Anh sốt sắng đến váng đầu, nói: “Con không thích người ta, bảo bà mối dẫn về đi.”

Mẹ anh cuống quýt, bà dí ngón tay vào trán anh: “Cái thằng não úng này, mở mang đầu óc ra nghen con. Con bé này là báu vật trời ban đấy, kiếm đâu ra mới được một mối như thế, để lỡ thì hối hận cả đời con ạ!”

Vương Nhuệ nói: “Trông cái tướng như Lâm Đại Ngọc thế kia, bạc mệnh lắm, chẳng có phúc khí gì!”

Tuy mẹ anh không biết nhiều chữ, nhưng cũng từng nghe kể Hồng lâu mộng, bà tức giận: “Con tưởng mình là Giả Bảo Ngọc là viên đá quý thông linh giáng xuống trần gian hả? Cái số trời sinh đã làm trâu làm ngựa cho người ta, may được cái tướng vớt lại, không thì đến Tú Cố cũng có mà rước được!”

Câu nói ấy khiến anh bất mãn. Tú Cố là cô ả đần độn nổi tiếng trong thôn Hạ Tam, ả ngày ngày lang thang khắp các xó xỉnh, năm nay đã ngoài ba mươi nhưng chẳng làm được việc gì. Hễ gặp các chị em là ả chẳng nói chẳng rằng, lúc nào cũng hậm hừ khinh khỉnh như tất cả đàn bà trên đời đều không nên tồn tại, cả thôn Tam Hạ chỉ cần mình ả là đủ.

Ngược lại cứ gặp được đàn ông thì bất kể lớn bé, ả đều tủm tỉm sấn sổ lôi kéo người ta.

Vương Nhuệ từng bị ả cò cưa hai lần, một lần là trước cổng xưởng làm đậu, Tú Cố nói: “Em về giúp anh làm ấm giường nhé!”

Vương Nhuệ né tránh, nói: “Giường đệm nhà tôi ấm rồi, không phiền cô!”

Lần khác là lúc anh ra tạp hóa mua bóng đèn đụng phải ả, ả cười khanh khách bám víu tay anh: “Em xinh thế này, em phải làm thịt anh!”

Vương Nhuệ sợ chạy mất dép, chẳng kịp mua bóng đèn. Bóng đèn trong nhà bị cháy, cả nhà đang ngồi trong bóng tối, thấy Vương Nhuệ chạy về tay không, mọi người hỏi rõ đầu đuôi, Vương Nhuệ cũng thật thà kể lại, cả nhà liền cười nhạo anh: “Đến Tú Cố mà cũng sợ, đàn ông thế là không được!”

Mẹ anh bảo Tú Cố cũng chê anh tức là đang sỉ nhục Vương Nhuệ. Anh kích động cãi lại: “Đủ rồi, đến Tú Cố cũng không rước được thì ở vậy cả đời cho xong!”

Câu này của anh vọng lên nhà trên, cô gái kia nghe được thì hết ngồi đoan trang che miệng tủm tỉm như lúc mới đến, một phát đứng dậy bỏ về. Vừa đi còn vừa gắt bà Kim Lục: “Con lừa ba chân còn khó tìm chứ đàn ông ở đâu chẳng có!” Dáng vẻ dịu dàng điềm đạm trước đấy cũng bay sạch.

Bà mối Kim Lục tức tối chê Vương Nhuệ: “Đúng là cái đồ không biết điều, phượng hoàng vàng dâng đến tận cửa còn chê!”

Vương Nhuệ đáp: “Nhà tôi mành tranh vách nứa không chứa nổi phượng hoàng!”

Bà mối ngượng ngùng dẫn cô gái kia đi. Bị người nhà trách mắng, Vương Nhuệ tuyên bố: “Con có người trong lòng rồi.”

Người nhà gặng hỏi là ai, Vương Nhuệ đáp: “Khi nào cưới về mọi người khác biết.” Anh tự tin chiếc kèn ác-mô-ni-ca kia sẽ giúp anh rước về nàng Lâm Tú San.

Không ngờ mấy hôm sau, con trâu của nhà đột nhiên mất tích, theo đó là hai con dê thả ngoài đồng cũng chẳng thấy đâu. Cả nhà đang chạy loạn khắp nơi tìm về thì bà mối Kim Lục lại đủng đỉnh cắn hạt dưa đến nhà. Bà nói: “Cô gái kia ưng Vương Nhuệ lắm. Nếu anh bằng lòng, bố nàng sẽ bao trọn đồ cưới, trâu với dê nhà các người cũng mất một tặng mười!”

Nhà họ Vương nghe vậy liền vỡ lẽ. Bố Vương Nhuệ thấy gia đình cô gái kia quá lạm quyền, nàng về làm dâu chắc cả nhà phải coi nàng như tổ tông cũng nên. Họ trả lời bà mối thế này: “Nhà tôi ao cạn nước tù, nào thể nuôi được nàng tiên cá!”

Bà Kim thốt lên: “Nhà các người đáng khốn cùng cả đời!”

Biết chuyện trâu dê trong nhà mất tích có liên quan đến cô gái kia, Vương Nhuệ tỉnh bơ đến thôn Thủy Dương. Quả nhiên, trâu với dê nhà mình đều có mặt ở chuồng gia súc nhà trưởng thôn!

Vương Nhuệ tự biết bản thân không quyền không thế nên đương nhiên không đến tay không. Anh đổ đầy cát vào mấy ống nhựa, quấn vào người, lại dùng màng nhựa mỏng bọc vài mảnh gạch mộc giắt lên. Lúc anh dắt trâu dắt dê ra khỏi chuồng nhà trưởng thôn, ông ta và thằng con vạm vỡ lao ra chặn lại.

Vương Nhuệ hùng hồn: “Tránh đường!”

Trưởng thôn nói: “Nhà ngươi tự tiện xông vào chuồng gia súc nhà ta trộm trâu trộm dê, quân trộm cắp! Ta phải gọi người gô cổ ngươi vào đồn!”

Vương Nhuệ bình tĩnh đáp trả: “Đây là trâu dê nhà tôi, tôi dắt về đã làm sao!”

Anh vừa dứt lời, con gái trưởng thôn từ trong nhà lao ra. Cô nàng bĩu môi: “Anh bảo đây là trâu dê nhà anh, thế anh thử gọi xem nó có đáp không?”

Vương Nhuệ nói: “Đừng tưởng chúng nó vô nhân tính như các người!” Anh gọi to một tiếng, đám trâu dê đang đứng yên liền ngoan ngoãn đáp lời, con trâu nghé ọ hai tiếng, con dê luôn mồm me me.

Cô gái kia nói: “Thế này cũng chẳng thể chứng minh chúng nó là trâu dê nhà họ Vương!”

Vương Nhuệ cởi soạt áo ngoài, đống thuốc nổ ngụy trang giắt trên người phơi bày trước thiên hạ, tay anh cầm chiếc bật lửa, “tách” một tiếng, mồi lửa lóe lên: “Các người thử chắn đường tôi xem, tôi cho cả nhà các người tan xác!”

Trưởng thôn sợ nhũn cả chân, con gái ông chạy tót vào nhà, vừa chạy vừa hô hoán: “Mau thả anh ta đi!”

Con trai trưởng thôn đon đả: “Người anh em chớ kích động, anh nói sao thì là vậy, mau dẫn gia súc nhà anh về đi. Anh còn trẻ lắm đừng làm chuyện dại dột!”

Vương Nhuệ nói: “Các người quấy nhiễu gia đình tôi, đừng mơ được sống yên thân!”

Trưởng thôn nói: “Tại tôi có mắt không tròng mà coi thường cậu. Cậu về đi, mau dập cái mồi lửa kia đi, nhà ngói tôi vừa mới xây, nhỡ nổ tung thì biết phải làm sao?”

Vương Nhuệ nói: “Tôi cảnh cáo các người, sau này còn dám ức hiếp nhà tôi coi chừng tôi gọi anh em giang hồ trên huyện về! Tuy tôi trông hèn mọn, nhưng thông báo cho các người biết, tôi và đồng bọn từng đi cướp taxi, chơi gái nhà người, còn đánh tàn phế những đứa không nghe lời! Sau này nhà tôi mà xảy ra chuyện gì, tôi đều đến tính sổ nhà các người, một xác cũng không tha! Từ hôm nay trở đi các người cứ liệu hồn thắp hương dập đầu cầu an yên đi là vừa!”

Trưởng thôn sợ muốn tè ra quần, ông vội vàng tránh đường cho Vương Nhuệ mau đi. Vương Nhuệ cầm cái bật lửa, nghênh ngang ra về.

Vừa ra khỏi thôn Thủy Dương, hai chân anh mềm nhũn. Nghĩ bụng nhỡ may họ phát hiện đống thuốc nổ trên người là hàng giả thì chẳng biết làm sao mới dắt được trâu với dê về nhà đây?

Đàn gia súc mất tích trở về khiến cả nhà reo vui, Vương Nhuệ chỉ bảo người dân thôn bên cạnh tìm được chúng chứ không đả động đến “hành động vĩ đại” của mình, anh sợ cả nhà nghe mà hoảng hồn. Quả nhiên từ ngày đó trở đi, gia đình trưởng thôn kia không còn đến sinh sự với nhà họ Vương nữa. Vương Nhuệ nghĩ, có lẽ trưởng thôn đang thấy may vì chưa gả quý nữ cho một kẻ liều mạng như anh. Mỗi khi gặp phải anh, bà mối Kim Lục chẳng khác nào chim sợ cành cong, cũng chẳng dám bén mảng đến nhà họ Vương “làm mai” thêm nữa. Vương Nhuệ đường hoàng coi chiếc kèn ác-mô-ni-ca là “bà mối” của mình, anh cưới Lâm Tú San về nhà như ý nguyện.

Hành khách ngồi trong khoang tàu chậm đa số ăn mặc giản dị, mặt mày uể oải. Từ cách ăn vận và cử chỉ của họ, có thể nhìn ra phần lớn đều là tầng lớp thu nhập thấp.

Hôm nay là Tết Trung thu, khá nhiều hành khách mang theo bánh trung thu. Lâm Tú San đoán hầu hết mọi người trên xe đều đang trên đường về nhà đoàn tụ với gia đình.

Lâm Tú San không phờ phạc như những hành khách kia, cô ngồi ở vị trí cạnh cửa sổ, lúc thì nhìn ngắm phong cảnh, lúc lại mở hành lý lật đi lật lại đống đồ bên trong.

Khác với mọi lần, ngoài dụng cụ nha khoa, ga trải giường và đồng hồ báo thức, hành lý của cô hôm nay còn có cả bánh trung thu và một chiếc kèn ác-mô-ni-ca. Đây cũng là chiếc kèn Vương Nhuệ dùng để tán tỉnh cô, hiện nó đã cũ mèm, trở thành món đồ chơi trong tay trẻ con. Từ khi con trai họ chào đời, Vương Nhuệ không còn thổi kèn nữa, tuy nhiên nó vẫn hiện diện trong những cuộc trò chuyện của hai người.

Khi đó Vương Nhuệ không theo học ai, anh tự mày mò luyện thổi, ấy vậy mà thổi hết một bản nhạc hoàn chỉnh không sai nốt nào. Hồi còn ở Hạ Tam Lâm Tú San thích nghe anh nhàn nhã thổi ác-mô-ni-ca biết bao. Vương Nhuệ thường sẽ đứng đầu bờ ruộng nhà cô thổi kèn, anh trai và chị dâu Lâm Tú San biết tỏng ý đồ của anh, cứ nghe có tiếng kèn, họ liền trêu chọc em gái: “Uyên ương đến tìm bạn đời đấy.”

Lâm Tú San cũng chẳng ngần ngại, cô mỉm cười đáp: “Nghe tiếng kèn lòng em thấy dễ chịu, nếu phải lấy chồng, em muốn gả cho anh ấy.”

Anh trai cô nói: “Muốn ngày ngày được nghe thì đừng vội nhận lời. Còn chưa theo đuổi được em, cậu ta còn thổi dài dài, cưới em về rồi càng không có mấy bài này!”

Lâm Tú San thấy anh mình nói chí phải, cô dùng thái độ chẳng nóng chẳng lạnh mà qua lại với anh, quả nhiên cô cũng được thỏa thích nghe thổi kèn, nghe đến là si mê, nghe như say như dại.

Lúc họ kết hôn, âm thanh phát ra từ chiếc kèn đó đã thều thào như bà cụ, nhưng trong đêm động phòng hoa chúc, Lâm Tú San vẫn bắt Vương Nhuệ thổi một khúc.

Sợ người nhà cười nhạo họ nửa đêm nửa hôm lại đi thổi kèn, hai người ghép hai bộ chăn làm một, tắt đèn, chui vào chăn, người thổi người nghe. Vương Nhuệ ngộp đến thở không ra hơi, Lâm Tú San thì đổ mồ hôi đầy đầu. Cuối cùng bản nhạc còn chưa kết thúc, hai người đã thò đầu khỏi chăn hít lấy hít để như vừa được cứu vớt sau cơn chết chìm, đồng thời không nhịn được cùng bật cười.

Ngoài cửa sổ có nhóc cháu bị gia đình xúi đến nghe trộm đôi vợ chồng son, thấy tiếng họ cười liền lon ton về phòng phụ huynh báo cáo: “Con đã nghe thấy tiếng hai người ấy, cười giòn lắm! Thì ra người có gia đình thường hay cười lúc đi ngủ!”