Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 3-4 tại dualeotruyen.
Đồng hồ chậm rãi chạy từng nhịp tích tắc tích tắc trên bàn học của thằng Quang. Nó nhìn sang, kim ngắn đã chỉ số ba, còn kim dài đang dừng ở số mười. Thời tiết hôm nay hơi oi, cái oi bức đặc trưng của mùa hè, nhưng thỉnh thoảng vẫn có gió làm cho con người ta chưa đến mức khó chịu. Khác với mọi ngày, chiều nay trong phòng học thằng Quang có hai thằng con trai; một là nó, đứa còn lại đương nhiên là thằng Toản. Lúc nãy, thằng Quang đang luyện đề thì thằng Toản, rũ rượi như con ma ngày, đi vào. Nó bước tới ngồi thụp xuống ghế và lại than vãn mệt mỏi với thằng Quang. Thế là thằng Quang phải xếp bút nghiên để tiếp chuyện thằng bạn, dù trong lòng nó đang chửi thằng này vô duyên, hễ cứ mệt là xuống phá bĩnh công cuộc ôn thi của nó. Nói một hồi, thằng Toản rủ nó tí ra sông đá bóng xả hơi nhưng thằng Quang từ chối vì lát nữa phải xuống chợ mua rau cho mẹ và đưa Mai về tuy rằng cũng chẳng biết có gặp Mai không. Toản biết mẹ thằng Quang đang bị đau chân nên không nài ép, chỉ nói thêm: “Nếu về sớm nhớ ra đá bóng với bọn tao” – rồi tiếp tục chém gió. Đang tâm sự đến hồi cao trào thằng Quang chợt nghe tiếng gọi ngoài cổng:
– Quang ơi, Quang.
Vừa nghe thấy tên mình thằng Quang liền đứng bật dậy lao ra cổng. Nó vội vì nó nhận ra đó là giọng của Mai. Nó hơi ngạc nhiên, hôm nay sao Mai bán hết sớm vậy, mới chỉ hơn ba giờ. Mà ai đưa Mai lên đây nhỉ, tất nhiên Mai không thể đi bộ được. Nó đã chỉ cho Mai nhà mình trong lần đầu tiên đưa Mai về nên không ngạc nhiên khi Mai biết nhà nó. Thằng Quang chạy ra, quả nhiên nhìn thấy Mai đứng ở cổng trong bộ quần áo công nhân và cái rổ trống không trên vai. Nó mừng rỡ tiến lại hỏi:
– Ủa, Mai. Hôm nay bán hết sớm thế, ai đưa Mai lên đây đấy?
Mai vừa nhìn nó cười vừa trả lời:
– Hôm nay may lắm, tớ vừa ngồi bán đã có bà vào mua hết cả rổ luôn. Xong tớ ra cổng ngồi chờ định nếu Quang đi chợ thì nhờ Quang đưa về, đang ngồi lại gặp một chị đi chợ về, nghe chị nói chuyện biết chị nhà ở mạn trên này nên đi nhờ chị lên đây. Quang chẳng mời tớ vào nhà Quang chơi còn gì, đúng không?
Thằng Quang nghe nói xong mừng húm cười nói:
– Còn gì nữa, Mai vào đây.
Rồi rất tự nhiên nó tiến đến cầm lấy tay Mai dẫn vào. Thực ra khi ấy trong lòng thằng Quang chẳng nghĩ gì cả, thậm chí nó còn không để ý là mình vừa nắm tay Mai; lòng nó đang rất vui vì hôm nay Mai đến thăm nhà nó. Thấy cậu bạn nắm tay mình, Mai không giằng ra, chỉ mỉm cười. Đến khi vào gần đến phòng học của thằng Quang, nhìn thấy có người ngồi trong đó cô bé mới rụt tay lại, lúc này thằng Quang mới nhận ra nãy giờ mình vẫn cầm tay Mai. Nó hơi ngại, đang định mở miệng nói gì đó chợt nghe thấy người trong mộng kêu lên vẻ bất ngờ:
– Ủa, Toản.
Kể từ lúc dắt tay Mai vào, thằng Quang đã bức xúc vì sự xuất hiện không đúng lúc, đúng chỗ của thằng bạn. Bao nhiêu hôm không xuống, chờ đúng hôm nay mới mò xuống làm kỳ đà cản mũi, không lẽ đuổi nó về lấy chỗ tâm sự với Mai. Lúc nãy thằng Toản đến phá đám thằng Quang chẳng thấy thế nào vì nó biết thằng bạn đang oải, cần tìm chỗ giải tỏa. Nhưng giờ chứng kiến thằng bạn thấy sự xuất hiện của Mai vẫn cứ ngồi im, chẳng có ý định đứng dậy ra vế, còn trố mắt nhìn, nó tức lắm, chỉ muốn đá vào mông thằng bạn vô duyên. Vừa rồi nghe thấy Mai gọi tên đứa bạn, thằng Quang liền chuyển từ tức giận sang ngạc nhiên. Ý nghĩ đầu tiên hiện lên trong đầu nó là sao Mai biết thằng Toản? Hai đứa học khác lớp, lại khác khối thi nghĩa là không học thêm cùng, sao mà biết nhau được? Nghĩ đến đây một tia sáng xẹt qua trí óc thằng Quang và nó khẽ “à” một tiếng. Thằng Quang chợt nhớ ra hồi lớp mười một, Mai có làm bí thư chi đoàn của lớp nó nhưng đến lớp mười hai phải nghỉ theo chính sách mỗi năm đổi cán bộ lớp một lần của cô Giang chủ nhiệm; còn thằng Toản bao năm nay vẫn làm bí thư đoàn lớp A8. Thằng này chẳng được nết gì ngoài mỗi cái đẹp trai, học giỏi với lại hát hay. Chắc nó và Mai biết nhau khi cùng làm cán bộ đoàn dịp này. Quả đúng như thằng Quang đoán, thằng Toản sau một hồi ngớ ra khi có người gọi tên mình vội nói như reo:
– A, Mai à. Đi đâu lại ăn mặc như thế này? Từ hồi Mai không làm bí thư chi đoàn nữa bây giờ mới gặp lại, tí nữa không nhận ra.
Thằng Quang nghe bạn nói chỉ khẽ hừ mũi. Thằng này cứ làm như lâu lắm rồi không nhìn thấy Mai vậy, Mai không làm bí thư nữa nhưng vẫn đi học suốt, làm gì có chuyện nó không gặp Mai.
Trái với thằng Quang, nghe xong câu hỏi của thằng Toản, Mai cười và vui vẻ giải thích:
– Dạo này tớ xuống chợ Xuân La bán xoài, hôm nay hết sớm nên lên đây chơi.
Thằng Toản là một thằng thông minh, nghe hai tiếng “dạo này” đầu nó lóe lên một ý nghĩ, rồi nó nhìn thằng Quang gật gù:
– Dạo này Mai hay xuống Xuân La à? Thảo nào gần đây thằng Quang chịu khó đi chợ thế.
Nghe vậy Mai chỉ cười không nói gì còn thằng Quang mặt mũi cứ tỉnh bơ. Ai chứ thằng Toảnnó chẳng ngại, thằng nàybiết chuyện của nó có khi lại hay. Thằng Quang định lấy ghế mời Mai ngồi nhưng vừa đưa tay ra Mai đã nói:
– Bố mẹ Quang có ai ở nhà không, cho tớ lên chào một câu.
Thằng Quang lúc này mới nhớ ra vẫn chưa đưa Mai lên nhà chào mẹ, nó liền gật đầu:
– Mẹ tớ đang ở trên nhà, Mai đi cùng tớ.
Mẹ thằng Quang đang làm việc trên nhà. Mẹ nó thường chỉ bận rộn vào buổi sáng, buổi chiều dù có đến cơ quan nhưng thường về sớm nên bà mới có thời gian xuống chợ Xuân La mua hàng. Dạo này do bị đau chân nên bà chỉ đi làm sáng, đi nhờ chị cùng cơ quan, còn buổi chiều ở nhà. Sáng nay, đi làm về mẹ thằng Quang còn mang theo một đống sổ sách giấy tờ dầy cộp. Lúc thằng Quang dẫn Mai lên, mẹ nó đang ngồi làm việc bên cái bàn uống nước ngoài phòng khách, ấm chén được xếp sang một bên, sổ sách bày la liệt trên bàn. Mai đứng cạnh thằng Quang khẽ nói:
– Cháu chào cô ạ.
Mẹ thằng Quang ngẩng lên, tháo cặp kính trên mũi ra, nhìn Mai nói:
– Ừ, chào cháu.
Bà hỏi tiếp luôn:
– Đi đâu về mà ăn mặc thế này?
Mai trả lời:
– Cháu đi chợ Xuân La bán xoài, hôm nay về sớm nên tạt vào thăm Quang một chút ạ.
Giống như thằng Toản, nghe xong câu trả lời của Mai, mẹ thằng Quang chợt hiểu ra nhiều điều, huống chi bà còn nhớ đến mấy túi xoài ngon lành không rõ nguồn gốc mấy lần thằng con bà mang về cho mình ăn. Mẹ thằng Quang nghĩ trong đầu: “Thế mà lâu nay cứ tưởng nó đi chợ vì thương mẹ” – bà cười thầm nhận ra thằng con trai mình đã lớn thật rồi.
Còn thằng Quang, chứng kiến bộ dạng của mẹ nó nãy giờ nó chợt thấy lúng túng, đưa tay lên gãi đầu sồn sột. Bộ dạng của mẹ nó vừa rồi giống y hệt thằng Toản lúc nãy. Thằng Toản nó chẳng ngại, tính thằng này nó biết, dù có hiểu ra được gì cùng lắm thỉnh thoảng thằng này sẽ trêu nó vài câu thôi; chứ không đi rêu rao ra ngoài đâu. Nhưng với mẹ nó lại khác, nó sợ lúc này mẹ nó đang nghĩ hóa ra thằng con mình đi chợ là vì người khác chứ chẳng phải thương xót gì mình thì oan cho nó quá. Thằng Quang luôn khẳng định nguyên nhân quan trọng nhất khiến nó ngày ngày xuống Xuân La là do mẹ nó bị đau chân; đưa Mai về chỉ là tiện đường, dẫu Mai có đi bán xoài hay không, nó vẫn sẽ nhận công việc đi chợ về mình. Thằng Quang đang lúng túng gãi đầu lại nghe mẹ nó nói:
– Giỏi quá nhỉ, còn ít tuổi đã biết phụ giúp gia đình. Chẳng bù cho thằng Quang nhà cô, chỉ có ăn với học còn chẳng nên.
Mai cười:
– Đâu có cô, Quang vừa ngoan vừa học giỏi nhất lớp cháu đấy cô ạ.
Mẹ thằng Quang và Mai còn nói với nhau vài câu nữa xong thằng Quang đưa Mai xuống phòng học cho mẹ nó làm việc. Xuống đến nơi nó điên tiết thấy thằng bạn chí cốt của mình vẫn đang ngồi chình ình giữa phòng. Thằng này không biết là giả ngu hay ngu thật mà không đứng dậy đi về từ nãy cho nó và Mai rảnh rang tâm sự, nhất là khi thằng bạn này đã lờ mờ đoán được tình cảm nó dành cho Mai. Nếu Mai không có ở đây thằng Quang đã túm cổ thằng Toản xách vứt ra ngoài cổng ; nhưng nghĩ lại nếu không có Mai, nó chẳng có lý do gì để làm như vậy. Thằng Quang càng tức tối hơn khi rõ ràng Mai đến chơi nhà nó vậy mà cô nàng nói chuyện với nó thì ít trong khi nói chuyện với bạn nó thì nhiều; đã vậy thỉnh thoảng còn che miệng cười khúc khích, dù theo nó những câu chuyện của đứa bạn mình nhạt thếch, chẳng có vị gì, làm nó càng điên tiết hơn. Nhưng sau này ngồi nghĩ lại, về khoản nói chuyện với con gái, các cụ gọi giản dị là “tán gái” ấy, nó phải học hỏi thằng bạn mình nhiều lắm. Thằng Toản nói bao nhiêu là chuyện, chẳng chuyện nào liên quan đến chuyện nào ấy thế mà Mai cứ cười suốt buổi. Lần đầu tiên thằng Quang nhận ra thằng bạn mình ăn nói có duyên như vậy, bảo sao nó làm bí thư lớp suốt bao năm nay. Mãi đến gần bốn rưỡi thằng Toản mới đứng dậy cáo từ để, theo như lời nó, về phụ bố mẹ việc cơm nước, rồi rông thẳng. Thằng bạn nói thế nhưng thằng Quang thừa biết bạn mình chẳng về nhà phụ ai làm gì hết ráo, thực chất giờ này nó chạy ra sông phụ mấy thằng trong xóm lập đủ đội hình quần nhau với quả bóng da. Thằng mất dạy, chỉ được cái chém gió là giỏi. Nhưng thôi nó biến là được rồi còn đi đâu là việc của nó, thằng Quang không quan tâm. Thằng Quang đang khấp khởi mừng thầm vì cuối cùng đã được ngồi riêng với Mai, chợt nhìn thấy cô bạn mình vừa liếc nhanh cái đồng hồ để trên bàn. Lúc này thằng Quang mới nhớ sắp đến giờ Mai chuẩn bị cơm nước mang lên cho bố mẹ. Thế là dù chẳng muốn chút nào nó vẫn phải tỏ ra hết sức tươi tỉnh đứng lên nói:
– Mai phải về rồi đúng không, để tớ đưa bạn về.
Trái ngược với vẻ tươi tỉnh giả tạo của thằng Quang, Mai tỏ ra lưỡng lự nói:
– Hay là Quang cứ đi chợ trước đi. Để tớ ra cổng chờ, lúc nào Quang về hẵng đưa tớ về nhà.
Thằng Quang nghe vậy cười, đáp:
– Đây mới kia chứ gì. Tớ đưa Mai về xong còn thoải mái thời gian đi chợ.
Lúc này Mai mới gật đầu:
– Vậy nhờ Quang nhé.
Trên con đê chiều lộng gió, trong lúc thằng Quang đang hậm hực chửi thầm thằng bạn vô duyên đã phá bĩnh buổi “hẹn hò” của mình với người đẹp, người đẹp ngồi sau lưng lại vỗ nhẹ vai nó,nói:
– Đây là lần cuối cùng Quang phải đưa tớ về như thế này. Từ giờ tớ sẽ không đi chợ Xuân La nữa đâu.
Thằng Quang nghe xong giật mình như người tỉnh dậy sau giấc mộng, quay hẳn đầu lại hỏi với đôi chút thảng thốt:
– Hả, vậy à. Sao Mai không đi nữa?
Mai vừa cười vừa trả lời:
– Bố mẹ tớ không cho đi, bảo phải ở nhà ôn thi. Với lại bố tớ đỡ nhiều rồi Quang ạ, bác sỹ bảo mấy hôm nữa sẽ cho về nhà tự tập phục hồi, thỉnh thoảng cho người xuống kiểm tra. Tớ phải ở nhà để giúp bố tập tành chứ.
Thằng Quang nghe xong mới hiểu, thuận miệng nói:
– Bố Mai sắp về à, vậy là chú ấy khỏe lên nhiều rồi đấy. Chúc mừng Mai nhé. Mai ở nhà chăm bố nhưng nhớ phải chú ý ôn thi, Mai cứ đỗ đại học là bệnh gì của chú cũng khỏi hết.
Mai cười:
– Biết rồi, lại giở giọng người lớn ra đấy.
Thằng Quang nghe bạn nói vậy bèn cười xòa. Thực lòng nó rất mừng cho Mai, giờ mọi chuyện trong gia đình Mai đã dần dần ổn định, như thế cô bạn này mới tập trung học hành được. Chứ cứ như dạo gần đây, Mai phải cáng đáng bao nhiêu việc, chạy đôn chạy đáo khắp nơi, hết nhà, đến trường, rồi đến viện, chưa kể tới việc hàng họ chợ búa; tâm lý thì lo lắng, không thoải mái, thế còn nói gì tới chuyện ôn luyện. Bây giờ, ít nhất mọi thứ đang tiến triển thuận lợi với cô bạn nó.
Nhưng sâu trong lòng thằng Quang vẫn gợn lên một nỗi buồn man mác. Nó buồn vì từ giờ sẽ không được đưa Mai về, không được một mình ở bên cạnh Mai giữa chiều hè lộng gió. Giá mà bố Mai vẫn cứ ra viện, Mai vẫn cứ yên tâm tập trung học hành và nó vẫn được đưa Mai về sau mỗi buổi chiều Mai xuống Xuân La bán xoài nhỉ. Tiếc thật. Song suy nghĩ này chỉ thoáng lướt qua đầu thằng Quang rồi vụt tan đi ngay như những cơn gió mát giữa chiều hè oi ả. Sau cùng, nó rất mừng cho cô bạn, mừng vì từ nay cô bạn nó đã bớt phần vất vả.
Sau đó xảy ra một chuyện khiến thằng Quang lấy làm lạ, trong quãng đường còn lại Mai hỏi thăm về thằng bạn nó, thằng Toản, khá nhiều. Dù thằng Toản là bạn thân của nó và Mai chỉ hỏi những câu vô thưởng vô phạt như “Quang chơi thân với Toản không?”, “nhà Toản ở đâu?”, “Toản thi trường nào?”… nhưng thằng Quang vẫn thấy không thoải mái. Làm gì có đứa con trai nào vui được khi người con gái mình thích hỏi thăm mình về một thằng con trai khác. May mà Mai chỉ hỏi một chốc rồi dừng, loại thằng Toản ra khỏi câu chuyện của hai đứa. “Chắc Mai chỉ hỏi cho có chuyện để nói thôi” – thằng Quang bâng quơ nghĩ thầm.
Lúc thằng Quang đưa Mai đến cổng, Mai liền nhảy xuống, chạy vào nhà lấy ra một túi xoài to bự đưa cho nó. Tất nhiên thằng Quang lại từ chối và lại cầm về như mấy lần trước. Nhưng lần này nó mất hẳn hào hứng. Trên đường về nhà nhìn túi xoài treo lủng lẳng ở yếm xe, nó lại thấy buồn buồn. Chắc đây là túi xoài cuối cùng Mai cho nó, thế là chấm dứt những lần nó được đưa Mai về, chấm dứt những buổi chiều nó được tâm sự thoải mái với Mai. Hóa ra hôm nay Mai đến nhà nó chơi vì đây là buổi chợ cuối cùng của cô bạn. Nghĩ đến chỗ này thằng Quang thêm điên tiết với thằng bạn nối khố, buổi hẹn riêng tư cuối cùng của nó với Mai không ngờ bị thằng này xuất hiện phá đám, đúng là thằng mất dạy. Đang cố nặn ra mấy từ thật nặng nề để chửi thằng Toản, bất chợt thằng Quang đạp phanh sau kít lại, nó phanh gấp đến nỗi suýt chút nữa cháy mặt đường nhựa cũng nên. Thằng Quang chống hai chân xuống đất, mắt nhìn về phía trước thất thần. Bỗng nhiên nó đưa tay phải lên vả vào mặt mình một cái, xong đưa tay trái lên vả thêm phát nữa bất chấp ánh mắt ngạc nhiên của người đi đường. Thằng Quang định tát thêm nhưng vì thấy hai má rát rát nên đành dừng lại; vả lại nếu nó tự tát thêm, người đi đường tưởng nó bị điên hè nhau xúm vào đưa nó đi Châu Quỳ thì khổ, nó chưa thi tốt nghiệp đâu. Nó đành thở dài ngán ngẩm. Không ngán ngẩm không được vì nó vừa nhớ tới lá thư tỏ tình mình đã dày công chuẩn bị bấy lâu nay. Hôm nay có cơ hội thuận lợi như thế, Mai vào tận nhà nó chơi, nó ngồi riêng với Mai cả chục phút đồng hồ thế mà nó lại quên béng mất việc đưa cho bạn lá thư. Thằng Quang càng tiếc hơn khi từ bây giờ Mai sẽ nghỉ việc chợ búa, thời gian riêng tư cho hai đứa không còn, nghĩa cơ hội gửi đi bức tâm thư của nó càng nhỏ đi bội phần. Càng nghĩ thằng Quang càng đau, càng thấy tức chính bản thân mình, đến nỗi nếu bây giờ có cái ô-tô nào đi qua chắc nó dám lao đầu vào gầm xe quá, lao xong chắc nó mới hết tức giận vì lúc đấy còn biết quái gì mà tức. Nhưng may cho thằng Quang, khi ấy không có cái xe nào đi qua cả và nó đành rồ ga phóng về nhà mang trong lòng niềm tiếc nuối vô biên.
Buổi tối, lúc thằng Quang đang học bài chợt có tiếng dép loẹt quẹt từ trên nhà đi xuống. Biết là mẹ, nhưng nó vẫn ngồi yên giả vờ đang chăm chú học không để ý xung quanh, đứng sau lưng nó một lúc mẹ nó mới lên tiếng:
– Con bé chiều nay là con Mai đấy à?
Thằng Quang lúc này mới quay lại đáp:
– Vâng, là Mai đấy mẹ.
Mẹ nó chép miệng:
– Con bé này ngoan quá nhỉ, ít tuổi đã biết vừa học vừa phụ giúp gia đình, còn chăm bố trên viện nữa chứ.
Thằng Quang biết chiều nay mẹ nó đã hỏi thăm Mai về gia đình của Mai. Ngoài ra nó từng kể cho mẹ nghe việc bố Mai bị tai nạn trong một lần thuận miệng lúc ăn cơm, mẹ nó biết chuyện nhà Mai chẳng có gì lạ. Giờ nghe mẹ nói thế nó đế theo luôn:
– Mai ngoan lắm mẹ ạ, vừa hiền vừa học giỏi nhất nhì lớp con đấy.
Giọng thằng Quang vui vẻ. Trước giờ hễ nghe thấy ai khen Mai, trong lòng nó lại thấy thoải mái cứ như người ta khen mình vậy, huống chi người đang khen Mai lúc này là mẹ nó. Nghe giọng háo hức của thằng con, mẹ thằng Quang cười thầm trong bụng, bà ra vẻ nghiêm nghị nói:
– Nó giỏi thì đúng rồi nhưng mà anh đừng có dốt đấy. Việc của anh bây giờ là học, tập trung vào ôn thi đi, thi cử xong rồi hãy nghĩ đến chuyện khác. Anh cứ liệu hồn, thi cử không ra gì khác được với tôi.
Thằng Quang nghe mẹ nói, bụng cứ giật thon thót. Nó thừa hiểu mấy câu vừa rồi của mẹ có nhiều ý lắm. Hồi chiều khi thấy mẹ nó nói chuyện với Mai, nó biết mọi thứ đã bị mẹ nắm trong lòng bàn tay. Buổi gặp gỡ chiều nay đủ để mẹ nó hiểu được tình cảm của thằng con trai mình với cô bạn của nó. Bao lâu nay mẹ vẫn luôn nói với thằng Quang rằng đang đi học chớ có dính vào yêu đương vì dính vào sẽ trở nên hư hỏng, sẽ học hành sa sút; và như để minh chứng cho nhận định của mình, mẹ nó dẫn ra bao nhiêu tấm gương vốn là con em mấy cạ của bà từ ngoan ngoãn, giỏi giang trở thành hư đốn, học tập sa sút vì… sa vào tình trường. Giờ mẹ nó nói vậy rõ ràng mang ý cảnh cáo. Dù ngay từ chiều đã biết sẽ có buổi nói chuyện này nhưng bây giờ nghe mấy câu của mẹ – thằng Quang vẫn thấy hồi hộp, không thoải mái. Nó cố chống chế:
– Mẹ này nói lạ, con vẫn học hành nghiêm chỉnh đây, có biết đến chuyện gì khác đâu mà phân với chả tâm.
Mẹ thằng Quang vẫn lừ mắt nhìn nó, nói tiếp:
– Thì mẹ cứ dặn trước. Mẹ biết giờ mày lớn rồi, nhưng việc quan trọng nhất của mày giờ vẫn là học, với con Mai cũng thế. Cứ chờ thi cử cho tốt xong hãy nghĩ đến chuyện khác, đừng để những chuyện linh tinh ảnh hưởng đến mình, đến bạn, rồi uổng công học hành bao nhiêu năm nay.
Thằng Quang im thin thít nghe mẹ giảng. Thực tâm nó muốn cãi mấy câu nhưng chẳng biết cãi thế nào bởi mẹ nói đúng quá, chẳng có chỗ hở để chen vào. May cho thằng Quang, mẹ nó chỉ nói bấy nhiêu xong đi lên nhà, nghe tiếng dép của mẹ xa dần nó thở phào một hơi. Thằng Quang biết xưa nay mẹ mình vẫn như vậy, không phải người nói nhiều. Gặp việc mẹ nó mới nói và chỉ nói đủ chứ không dằng dai, nhắc đi nhắc lại. Nếu là bà mẹ khác gặp chuyện như hồi chiều chắc tối nay đã tra hỏi đủ thứ, sau đó lôi một đống giáo điều quy chuẩn ra giảng giải không biết chừng, nhất là khi trước mặt thằng con có hai kỳ thi quan trọng, nhưng mẹ thằng Quang không làm như thế. Vả chăng thằng Quang nghĩ mẹ đủ hiểu nó để tin tưởng nó. Thâm tâm bà tin con trai mình là đứa biết phân biệt nặng nhẹ, biết rằng việc quan trọng nhất với nó lúc này là thi đỗ đại học còn những việc khác chỉ là chuyện nhỏ. Nên bà mới hành xử nhẹ nhàng như vừa rồi. Thằng Quang thoáng nghĩ thế xong tiếp tục vùi đầu vào đống sách vở trước mặt.