Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 15: Chương 15 tại dưa leo tr.
Đây là một quán điểm tâm thanh lịch theo phong cách Hong Kong.
Đã bảy, tám giờ sáng mà vẫn nhiều người chậm rãi thưởng trà hơn Dịch A Lam tưởng tượng.
Dịch A Lam và Châu Yến An ngồi đối diện nhau giữa không gian ồn ã.
Dịch A Lam mỉm cười.
Châu Yến An cũng cười: “Cậu cười cái gì? Tôi tưởng cậu vẫn lo lắng chứ.”
“Có cảm giác cửu biệt trùng phùng.” Dịch A Lam nói.
Nhân viên phục vụ đặt tách trà và khay bánh nóng hổi lên bàn.
Trước khi bắt đầu bữa sáng, Dịch A Lam kể với Châu Yến An về những lần đứng bếp như đánh giặc của y và chị y tá mỗi khi hầm canh cho Lương Phi.
Châu Yến An bèn nói: “Muốn học không? Tôi dạy cho cậu.”
Dịch A Lam ngớ ra: “Học nấu ăn ư?”
Châu Yến An cười nhẹ: “Ừ.
Cậu có thể tới chỗ tôi, phòng bếp có đầy đủ dụng cụ.”
Con tim đột nhiên nhảy loạn xạ khiến lồng ngực Dịch A Lam thoáng khó chịu.
Y hốt hoảng đè x uống những suy nghĩ hoang đường như cỏ dại sinh trưởng, và nói đùa một cách khô khốc: “Thôi, tôi không nghĩ mình học được đâu.
Chờ người máy phát triển rồi giải thoát cho tôi vậy.”
“Ừ.” Châu Yến An khẽ đáp.
Đây chỉ là lời đề nghị rất đỗi bình thường, nhưng anh chẳng hay rằng nó đã dấy lên biết bao gợn sóng trong lòng người khác.
Dịch A Lam nếm thử chiếc há cảo thủy tinh, sao mà nó vô vị thế? Ngay thời điểm này, y bỗng nhiên căm ghét xu hướng tính dục của mình.
Nó khiến y chẳng bao giờ có thể tận hưởng một tình bạn thân thiết theo cách hào phóng nhất.
Họ không nói nhiều về ngày 32, hẳn nhiên là những gì Châu Yến An suy tư không hề đơn giản như cách mà cộng đồng Ngày 32 thể hiện.
Sau khi nói lời tạm biệt, Châu Yến An về nhà – một ngôi nhà với đầy đủ dụng cụ làm bếp mà Dịch A Lam nỡ lòng từ chối.
Anh đóng cửa sổ, bấm dãy số quen thuộc nhưng đã năm năm rồi chưa liên lạc.
“Đội trưởng, tôi là Châu Yến An.
Tôi có chuyện quan trọng cần báo cáo.
Đáng lẽ tôi nên báo cáo sớm hơn, nhưng sợ rằng khiến anh hiểu lầm bệnh tôi trở nên trầm trọng.
Bây giờ, có vài thứ cần ưu tiên theo dõi…”
*
Cái chết của chú là một viên gạch đè nặng trong tim Dịch A Lam.
Y từng giả vờ hỏi bà, rằng có biết ai là chủ nợ mà chú đã nói trước khi mất không.
Bà nội không biết, nhưng cụ đã đưa chiếc điện thoại của chú mà mình giữ làm kỷ niệm cho Dịch A Lam.
Chỉ là, tìm thấy gã thì thế nào? Dịch A Lam lưỡng lự, chẳng lẽ hỏi thẳng mặt rằng “mày có giết Dịch Hiểu Sơn không”?
Những tưởng Dịch A Lam vô công rỗi nghề bấy lâu đâm ra “nghĩ quẩn” mà đi theo nghiệp đòi nợ như chú, cụ bà lo lắng khôn nguôi mà chẳng biết nên khuyên nhủ ra sao.
Một ngày nọ, khi Dịch A Lam về nhà, bà nội đang ngồi trong phòng khách xem bản tin buổi chiều.
Cụ bà nở nụ cười hiền hòa khi trông thấy y, và bắt chuyện về một chủ đề mà đứa cháu này có lẽ quan tâm: “Lam Lam à, công nghệ cao bây giờ đáng gờm thật đấy.
Cảnh sát thậm chí còn chẳng phát hiện kẻ ta gian lận thế nào.”
Dịch A Lam đáp lại: “Chuyện gì vậy ạ?”
Bà nội bĩu môi nhìn TV: “Mấy nay đài nào cũng đưa tin cả.
Đề thi tuyển sinh đại học ở tỉnh Bạch Dương bị lộ, nhưng cảnh sát không điều tra ra bằng chứng phạm tội.”
Dịch A Lam ngồi xuống xem tin tức cùng bà.
Song chỉ trong vài phút đầu tiên, khuôn mặt y đã biến sắc rõ rệt.
Sự việc phát sinh tại tỉnh Bạch Dương, nhưng bây giờ đã lan rộng thành tin tức được người dân cả nước chú ý.
Không một ai ngó lơ trước kỳ thi tuyển sinh đại học mỗi năm một lần, đây là con đường nhanh nhất để nhảy vọt lên một tầng cao mới.
Các bậc phụ huynh, các em và kể cả những kẻ từng trải qua kỳ tuyển sinh đại học, có đôi khi vẫn chú ý đến tin tức liên quan để níu kéo chút xuân thì còn lại.
Mọi chuyện bắt nguồn từ một giáo viên luyện thi đại học tên Lâm Đạt Huy – gã ta không phải là giáo viên chính quy trực thuộc bất kỳ nhà trường nào mà kiếm sống bằng cách mở lớp phụ đạo và cung cấp tài liệu giảng dạy từ những năm trước.
Gã ta thường tổng kết vài kiến thức cốt lõi trước kỳ tuyển sinh, tỷ lệ đoán trúng đề chỉ duy trì ở ngưỡng trung bình.
Điều này kỳ thực hết sức bình thường, vốn dĩ đề thi đại học năm nào cũng phải ra ít nhất một câu về những kiến thức đó.
Nhưng năm nay, Lâm Đạt Huy lại bí mật liên lạc với phụ huynh của vài em học sinh trước kỳ tuyển sinh và bán giá cao cái gọi là “tài liệu luyện thi tuyệt mật”.
Gã ta lập lời thề son sắt, rằng các em chắc chắn đạt thêm ít nhất 50 đến 100 điểm; thậm chí bảo rằng, nếu “trật tủ” thì hoàn lại toàn bộ số tiền.
Một số phụ huynh bị thuyết phục bỏ ra số tiền lớn mua tài liệu; vì tương lai của con em mình, nhiều bậc cha mẹ còn làm những việc mù quáng hơn, huống chi chỉ là vấn đề tiền bạc.
Hơn nữa Lâm Đạt Huy vốn có tiếng ở địa phương, gã ta không giống một kẻ lừa đảo sẽ ôm tiền bỏ chạy.
Theo quan điểm của Lâm Đạt Huy, bản chất của những người mua “tài liệu” là tín đồ đi theo lợi ích – ngay cả khi “đánh hơi” thấy mùi bất ổn, bọn họ tuyệt nhiên không làm ầm ĩ hay phá hủy tương lai của con em.
Nhưng điều mà gã ta chẳng ngờ là một cậu học sinh chịu tra tấn điên cuồng bởi hàng loạt sách vở mà cha mẹ thường quẳng cho mình, đã không thèm đếm xỉa đến “tài liệu tuyệt mật” của gã.
Và khi kỳ tuyển sinh kết thúc, cậu học sinh đã vô tình trông thấy tài liệu của Lâm Đạt Huy, rồi lập tức chết lặng.
Nào phải bài luyện thi, đây giống hệt với câu hỏi trong đề thi đại học vừa rồi! Nếu so sánh cẩn thận, có thể phát hiện các câu hỏi đạt tổng 50 điểm hoàn toàn giống nhau, và phần 100 điểm còn lại đã được ngụy trang kín kẽ.
Tựu trung, chúng chẳng khác gì với đề thi tuyển sinh đại học; nếu dành thời gian và công sức chăm chút cho những bài tập này, e rằng đạt thêm 100 điểm không hề khó.
“Lâm Đạt Huy quả thật có cách khiến học trò đạt điểm cao”, cậu trai nọ hối hận vì thái độ dửng dưng của mình; còn phụ huynh thì tỏ ra bất bình trước việc kẻ khác cũng mua tài liệu mà hơn điểm con em.
Ăn không được phá cho hôi, cả nhà bèn tố cáo nặc danh Lâm Đạt Huy lên Bộ Giáo dục-Đào tạo.
Bộ Giáo dục rất coi trọng việc này, còn cử xuống một Đội điều tra đặc biệt về việc rò rỉ đề thi.
Nhưng điều khó hiểu là họ chẳng tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào chứng minh Lâm Đạt Huy đã đánh cắp đề thi tuyển sinh đại học.
Họ xem lại không biết bao lần toàn bộ quy trình từ khi chọn đề đến lúc phát đề ở phòng thi, hoàn toàn chẳng có lấy một sai sót: Các giáo viên trong hội đồng ra đề buộc phải “ở” liên tục trong phòng kín đến khi hoàn tất đề thi, và tận đến lúc kỳ tuyển sinh khép lại; họ vốn dĩ không có thời gian, cũng như không có cơ hội để tiết lộ.
Ngoài ra sai sót cũng không nằm ở hội đồng ra đề, vì họ chẳng biết câu nào trong số các đề thi sẽ được chọn.
Quá trình in ấn thì giao hẳn cho người máy, và còn được lực lượng vũ trang bảo vệ chặt chẽ.
Vậy khả năng cuối cùng là người phụ trách có vấn đề.
Tuy nhiên, mọi hành tung của người phụ trách đều được ghi lại trên video, anh ta vốn không có cách nào liên lạc với Lâm Đạt Huy.
Trên thực tế, cảnh sát đã điều tra mạng lưới cá nhân của người phụ trách và gã ta, giữa họ thậm chí còn chẳng có mối quan hệ vòng vo lắc léo, khó có thể tưởng tượng hai người liên hệ với nhau bằng cách nào.
Sau đó, Bộ Giáo dục đã yêu cầu lực lượng cảnh sát thành lập tổ chuyên án nhằm điều tra tất cả các con đường hoạt động và lịch sử liên hệ của Lâm Đạt Huy trong một khoảng thời gian dài trước kỳ tuyển sinh.
Vô số camera an ninh chứng minh Lâm Đạt Huy không hề có bất kỳ hành vi dị thường nào trong thời gian đó, cũng như chưa bao giờ tiếp xúc gần với hội đồng ra đề và người phụ trách trong phạm vi trăm dặm.
Hơn nữa vì kỳ tuyển sinh đại học sắp đến, Lâm Đạt Huy phải tạm dừng công việc, các bài giảng và các khóa đào tạo cũng tạm thời gác lại; ngoài ra, trong điện thoại gã ta hãy còn lưu lại lịch sử đặt khách sạn năm sao ở những danh lam thắng cảnh trên khắp cả nước.
“Tài liệu luyện thi tuyệt mật” mà Lâm Đạt Huy soạn thảo, càng giống như một ý tưởng sau nhiều đêm vắt óc suy nghĩ.
Đại diện Bộ Giáo dục đã giải thích cặn kẽ những điểm trên trong bản tin, và tóm gọn bằng một câu: rằng “không tài nào để lọt đề thi tuyển sinh đại học trong khi quá trình bảo vệ hết sức nghiêm ngặt”.
Về phần tại sao thông tin Lâm Đạt Huy đưa ra lại có độ trùng khớp với đề tuyển sinh cao như thế, âu có lẽ là trùng hợp.
Mặc dù sự trùng hợp này, quá mức đến nỗi khó tin.
“Đó chỉ là trùng hợp thôi.” Lâm Đạt Huy nói với vẻ bất lực mà đắc ý trong một cuộc phỏng vấn.
Phóng viên đặt câu hỏi: “Nếu chỉ là trùng hợp, vậy tại sao anh dám nói nếu trật tủ thì hoàn lại toàn bộ số tiền?”
Lâm Đạt Huy bảo: “Toàn là ngón nghề trong kinh doanh cả.
Cũng giống dăm ba bác sĩ lang băm trước đây, phán rằng “nếu sinh con gái thì trả tiền lại”; dù thế nào vẫn có đôi vợ chồng sinh con trai, gã kiếm tiền trên những người này cũng đủ sống qua ngày.
Về cái bọn sinh con gái, trả thì trả, có gì đâu mà căng.
Tôi đưa ra rất nhiều đề thi thử, ít nhất phải có một đề đoán trúng chứ? Vậy bạn đưa tôi tiền cũng là chuyện tất nhiên, đúng không? Chậc, tôi đâu nghĩ rằng mình đoán trúng nhiều vậy.”
Lâm Đạt Huy nói thêm: “Dù khó tin nhưng vẫn tồn tại xác suất nhất định.
Đưa một con khỉ chiếc laptop, chỉ cần bạn cho đủ thời gian thì nó cũng có khả năng gõ được một bộ Shakespeare hoàn chỉnh.
Tôi cũng vậy.
Nhưng trong trường hợp của tôi, chẳng qua là xảy ra ngay lần đầu tiên thôi.
Rất nhiều cảnh sát đã không tìm thấy bằng chứng, mà bạn vẫn cho rằng tôi có tội ư? Nếu cứ tiếp tục thế này, thành ra mọi người đang tấn công tôi đấy.”
Bà nội Dịch A Lam nói: “Bà xem các đài khác phỏng vấn người qua đường, mọi người đều nghi ngờ Lâm Đạt Huy có công nghệ cao.
Giống như phim ấy con, một con bọ nhẹ nhàng bay qua là có thể chụp hết tất cả đề thi.”
Dịch A Lam thầm nói, không phải công cụ kỹ thuật cao đâu ạ.
Mà là, ngày 32.
Nếu quả thật là ngày 32, vậy tất thảy đều được lý giải.
Ngày 32 tháng 5, thực ra là ngày 1 tháng 6 – cũng là lúc đề thi đại học đã hoàn tất.
Khi Lâm Đạt Huy nhận thấy mình là người duy nhất còn lại trên toàn thế giới, có lẽ vì quá yêu và tiếc nuối cho sự nghiệp cả đời nên gã ta quyết định đến nơi in đề thi – một địa điểm thường có lực lượng vũ trang canh giữ.
Nhưng tại ngày 32, bọn họ lại trông hệt cô thiếu nữ e ấp bên mẹ.
Lâm Đạt Huy chẳng tốn bao nhiêu sức đã lấy được đề tuyển sinh đại học, và bắt đầu thực hiện âm mưu của mình tại thế giới bình thường: Khi trở lại, mặc kệ ngày 32 là gì, mặc kệ những câu hỏi này đúng hay sai, sự nhạy bén trong kinh doanh đã khiến Lâm Đạt Huy “đánh hơi” thấy mùi tiền từ nó.
Tựa như gã ta từng nói, nếu “trật tủ” thì hoàn tiền; nhưng nếu đúng, vậy là lời to.
Gã ta vốn chẳng mất gì cả.
Dẫu bây giờ sự việc được phơi bày nhưng, do không có bằng chứng xác thực nên Lâm Đạt Huy vẫn sống đắc ý ngoài vòng pháp luật.
Kẻ duy nhất đau đầu ở đây, chỉ có mỗi quan chức chính phủ.
Họ vẫn đang cân nhắc về việc tái tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, và cách xử lý đối với các em học sinh đã mua tài liệu của Lâm Đạt Huy.
Xét cho cùng, trong cuộc giao dịch giữa phụ huynh và Lâm Đạt Huy không hề trực tiếp đề cập rằng “đây là đề thi”.
Lời nói hai phía đều lấp lửng nước đôi, họ cũng chẳng thể dựa vào bằng chứng chủ quan của một người để gán tội ăn cắp cho gã ta.
Đây là điều còn nan giải hơn cái chết của Dịch Hiểu Sơn vào ngày 32, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến số phận của hàng chục triệu thí sinh.
Dịch A Lam chợt nghĩ, ở một nơi nào đó trên thế giới mà y không biết, có bao nhiêu bi kịch như cái chết tức tưởi của chú và sự cố lộ đề thi tuyển sinh do ngày thứ 32 gây ra? Với sự trở lại định kỳ của ngày 32, liệu sự việc này có phải ngày càng xuất hiện nhiều hơn?
Dịch A Lam không dám nghĩ nữa.
Nhưng y không ngờ, rằng nạn nhân tiếp theo của ngày 32 lại xuất hiện trong cuộc đời mình nhanh đến vậy.
Vài ngày sau, Dịch A Lam nhận được cuộc gọi từ một người bạn cũ đã lâu không liên lạc.
Giản Thành – tổng giám đốc bộ phận marketing của tập đoàn khoa học kỹ thuật Giản Đan, cũng có thể nói là chủ tịch hội đồng quản trị bây giờ.
Cha của hắn, Giản Từ Minh – người sáng lập tập đoàn Giản Đan, đã qua đời vì đột tử vào rạng sáng ngày 1 tháng 7..