Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 10: 10: Góp Nhặt Lần Thứ Chín Màu Vẽ tại dualeotruyen.
*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
Ngày hôm sau, Liễu Tức Phong ghé sang cực kỳ sớm.
Hắn mặc áo khoác màu gỗ đàn, tóc cột lên cao thành đuôi ngựa, dây buộc tóc đỏ sẫm thêu chỉ vàng đậm lúc lắc sau gáy cùng suối tóc dài.
“Cậu em Kinh Trọc ơi.” Liễu Tức Phong gọi.
Lý Kinh Trọc ngủ qua một giấc đã bình tĩnh trở lại, lý trí chiếm thượng phong nhắc nhở anh đừng nên đoán mò, đừng nghĩ quá xấu về hắn.
Trong vấn đề tình cảm, con người luôn giỏi để trí tưởng tượng bay xa chứ ít khi vận dụng lý trí.
Lý Kinh Trọc khuyên răn bản thân trước mắt không vội vã đưa ra phán xét, tiếp xúc nhiều hơn rồi nói sau.
Nghe tiếng gọi ngoài cửa, anh ở trong phòng đáp một tiếng: “Tới ngay.”
Đẩy cửa bước ra, quang cảnh sáng ngời, bầu trời vạn dặm không mây, người trước mắt rạng rỡ tựa ánh bình minh.
Hai người tiếp tục đi bộ mười hai dặm đường lên Trấn Thái Bình.
Đi vào trung tâm thị trấn, trên phố đã có rất nhiều người ra vào ăn sáng, hàng quán lớn nhỏ đủ loại, bếp lửa hướng ra ngoài khói bay nghi ngút.
Liễu Tức Phong hỏi: “Muốn ăn gì nào?”
Lý Kinh Trọc ngẫm nghĩ, đáp: “Bánh bao tỷ muội* đi.”
*Bánh bao tỷ muội 姊妹团子: món điểm tâm đặc sản vùng Hồ Nam, vỏ bánh là bột gạo nếp, bên trong bọc thịt, nấm hương, nhân ngọt mè đen hoặc các loại nguyên liệu khác, sau đó nặn xoắn lại tạo hình chóp nhọn đế bằng rồi hấp chín.
Liễu Tức Phong nói: “Vừa lúc.
Có quán này tôi thường ghé, bánh bao tỷ muội ở đó không chỉ nhiều thịt, nấm hương còn rất tươi.”
Lý Kinh Trọc ra dấu: “Thế anh Phong dẫn đường đi.
Nhưng rốt cuộc anh đã ăn bao nhiêu tiệm ăn rồi vậy? Nhà này cũng thường đi, nhà kia cũng thường ghé.
Có quán nào là anh không thường đi không?”
Liễu Tức Phong thản nhiên nói: “Ngoại trừ những quán tôi thường đi ——”
“Còn lại là chỗ anh không thường đi.” Lý Kinh Trọc tiếp lời.
Liễu Tức Phong vỗ tay: “Chính xác.”
Hắn dẫn Lý Kinh Trọc đến một quán tên “Cơm Nhà Chị Thi”, Lý Kinh Trọc nhìn hai chữ “Chị Thi”, nhớ đến Chu Lang liền quay lại hỏi Liễu Tức Phong: “Đừng bảo mọi người hay gọi chủ quán này là chị Tây Thi đấy nhé?”
Liễu Tức Phong đáp: “Gọi Tây Thi thì tục quá.”
Vào lúc Lý Kinh Trọc thầm nghĩ cuối cùng cũng có chỗ bình thường một tẹo, Liễu Tức Phong đã đi thẳng đến gần dãy lồng hấp bày trước cửa tiệm, nói với người phụ nữ phía đứng sau: “Chị Di Quang*, em đưa bạn đến ăn sáng, cho em bánh bao tỷ muội, thêm hai chén huyết heo long chi**, một đĩa rau trộn đậu phụ khô.
Đúng rồi, một ấm trà trần bì giải nhiệt nữa.”
*Trong truyền thuyết tên thật của Tây Thi là Thi Di Quang 施夷光, người con gái họ Thi nhà ở thôn Tây nên gọi là Tây Thi, tên khác là Tây Tử.
**Huyết heo long chi 龙脂猪血, hay còn gọi là huyết heo ngâm dầu mè, đặc sản nổi tiếng của Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.
Chị Thi ló đầu ra tươi cười xán lạn: “Liễu Lang lại nói bậy rồi.”
Lý Kinh Trọc tò mò: “Liễu Lang?”
Chữ Lang ở nơi này được dùng để gọi con rể, Chu Lang vốn không phải họ Chu mà là người đàn ông về làm rể nhà họ Chu.
Vì sao chỉ cần là chuyện liên quan đến Liễu Tức Phong thì chắc chắn sẽ có ba phần không bình thường thế nhỉ?
Chị Thi bưng ra hai lồng bánh bao tỷ muội, nói với Lý Kinh Trọc: “Cứ gọi chị Thi thôi, đừng học linh tinh theo Liễu Lang, thấy cô nào họ Thi cũng bày đặt gọi Di Quang cho bằng được.”
Lý Kinh Trọc nhìn sang Liễu Tức Phong: “Liễu Lang, sao anh cứ hay hoa hòe thế?”
Liễu Tức Phong đang muốn mở miệng, anh lại tiếp: “À, tôi nên hỏi là sao anh lại luôn lịch sự thế mới đúng.”
Hắn nhấc ấm châm trà, ngoài miệng khiêm tốn: “Nghĩa vụ, nghĩa vụ thôi.”
Chị Thi phục vụ xong đồ ăn sáng lên bàn mới nói: “Nghĩa vụ của Liễu Lang không nhỏ đâu, bà chủ nhà nào cũng phải để tâm, ai ai cũng là chị ruột.”
Liễu Tức Phong: “Các chị đã bỏ công làm thức ăn ngon như vậy, em cũng phải nịnh nọt chút mới phải chứ.”
Chị Thi nói: “Được được, hôm nay tặng thêm cho Liễu Lang một đĩa cánh vịt kho.”
Lý Kinh Trọc thấy phiền lòng, thò đũa cắm phập một cái bánh nhét vào miệng nhai nhồm nhoàm, tưởng tượng ra thứ mình đang nhai trong miệng chính là thịt Liễu Tức Phong.
Buổi sáng khách khứa nhiều, chị Thi buôn bán bận rộn, tặng cánh vịt xong cũng không quay lại nữa.
Liễu Tức Phong nói: “Tới trễ một chút thì tốt hơn, chị Thi rất thích kể chuyện chị ấy thời trẻ.”
Lý Kinh Trọc vùi đầu ăn, không nói câu nào.
Liễu Tức Phong thấy hắn không đáp trả, bèn vừa thong thả ăn sáng vừa hàn huyên với các vị thực khách xung quanh.
Bàn bên cạnh có một cô gái trẻ hỏi chị Thi: “Vì sao bánh bao tỷ muội lại tên là bánh bao tỷ muội?”
Chị Thi không có thời gian trả lời, Liễu Tức Phong liền giúp giới thiệu hẳn tích truyện về hai chị em nhà họ Khương mở lán bán bánh.
Hai người lập tức trò chuyện hăng say, nói chưa được mấy câu, cô gái trẻ kia đã cực kỳ tin tưởng Liễu Tức Phong, không chỉ khai ra cô học trường nào ở Thượng Hải, còn kể luôn vì thất tình nên mới quyết định đi du lịch một mình, khởi hành từ hạ du Trường Giang ngược dòng đi lên, đã tham quan Thái Hồ và hồ Bà Dương, bây giờ đi phía đông Động Đình, đang suy nghĩ nên tiếp tục xuôi nam xem nam Động Đình hay hướng lên trên đi sông Kim Sa, hoặc là băng qua sông xem Tam Hiệp, hay là thẳng đến Đương Khúc thượng nguồn?
Liễu Tức Phong đưa lời khuyên: “Mùa hè nên đi thẳng lên thượng nguồn Trường Giang xem gió thổi cỏ xanh hai bên bờ, dê bò chạy khắp nơi, núi lớn trùng điệp như mây, đỉnh núi tuyết phủ, gần như chỉ cần giơ tay lên là chạm đến bầu trời.
Sau đó chờ mùa thu hãy quay lại hồ Động Đình, trước hết đi đảo Quân Sơn, sau đó leo lên lầu Nhạc Dương dựa lan can ngâm thơ xướng phú, còn có thể ngồi thuyền hoa ban đêm nghe vài khúc tỳ bà, ăn cua lông đặc sản, uống mấy ly Hoàng Tửu*.”
*Hoàng Tửu 黄酒 là một loại rượu cổ truyền của người Trung Hoa và người Việt Nam.
Người ta dùng các loại lương thực thuộc họ ngũ cốc như: gạo, ngô, khoai, sắn, hạt kê, đại mạch, tiểu mạch…nấu chín rồi ủ với men rượu, sau khi ngũ cốc được ủ men chín tới độ thì hứng lấy nước rượu được tiết ra.
Thứ rượu đó có màu vàng, thường rất ngọt, rất nhẹ vì có độ cồn rất thấp.
Cô gái trẻ nghe xong mặt mày cực kỳ hâm mộ.
Liễu Tức Phong lại nói: “Đẹp lắm.
Đến lúc đó bao nhiêu đau buồn đều tan thành mây khói hết.”
Cô gái gật đầu, mở máy càng lúc càng lưu loát, giãi bày về nỗi thương tâm của mình hiện tại vẫn chưa thể tan thành mây khói.
Lý Kinh Trọc gác đũa: “Tôi ăn xong rồi.”
Liễu Tức Phong nói: “Cậu em Kinh Trọc, cậu chờ chút đi, tôi còn chưa ăn xong.”
Anh cứ mải ba hoa với người ta, miệng đâu mà ăn nữa? Lý Kinh Trọc bực mình.
Anh lau miệng, nói: “Liễu Lang cứ ăn thong thả, tôi đi mua dụng cụ vẽ tranh trước.”
Liễu Tức Phong cản lại: “Còn sớm, cửa hàng giấy bút chưa mở cửa đâu.
Cậu ngồi đó uống ít trà trần bì đi đã, đỡ cho lát nữa đi đường miệng lưỡi khô khốc.”
Lý Kinh Trọc ngẫm nghĩ thấy Liễu Tức Phong nói cũng không sai, đành phải ngồi xuống uống trà trần bì, vỏ quýt bị ngâm đến nát lạo xạo trong miệng không còn một tí mùi vị.
Cô gái trẻ ăn xong bữa sáng của mình, thấy chén huyết heo của Liễu Tức Phong, thuận miệng nói mình chưa ăn qua món này, hỏi có thể nếm thử một chút không.
Liễu Tức Phong đã nhấc chén lên chuẩn bị đặt sang bàn cô gái rồi, lúc quay đầu thoáng thấy sắc mặt Lý Kinh Trọc, vì thế lại buông chén, nói với đối phương: “Tôi nhớ vừa rồi cô có gọi sữa đậu nành, huyết heo và đậu nành kỵ ăn cùng nhau, ngại quá.”
Lý Kinh Trọc lại nói: “Một chén huyết thôi, có gì mà phải tiếc? Y học hiện đại không có khái niệm kiêng kị, y học cổ truyền mới phải để ý mấy chuyện đó.”
Câu này nói ra lại nghe như Liễu Tức Phong keo kiệt, cố ý tìm cớ không muốn mời người ta ăn huyết heo của mình vậy.
Cô gái trẻ ngượng ngùng nói: “Thôi không ăn vẫn hơn, người xưa dạy cũng có lý.” Dứt lời lập tức nhấc túi lên đi tính tiền.
Liễu Tức Phong thở dài một hơi: “Cậu vô duyên vô cớ gây sự với tôi làm gì.”
Lý Kinh Trọc nói: “Tôi không có.” Không biết là đang nói mình không gây sự với Liễu Tức Phong, hay là ám chỉ những chuyện gây gổ này chưa bao giờ là vô duyên vô cớ.
Nói xong cũng đứng dậy đi tính tiền.
Lúc quay trở lại, anh đã thấy trên bàn nhiều thêm một chiếc thẻ kẹp sách hình tượng Phật, bèn hỏi: “Đây là cái gì?”
Liễu Tức Phong đáp: “Là cô gái vừa nãy tặng, nói là quà lưu niệm mua khi đi thăm Đại Phật Linh Sơn*.”
*Đại Phật Linh Sơn 灵山大佛 tọa lạc khu vực Tiểu Linh Sơn, nghiêng về hướng nam ngọn Tần Lý, Mã Sơn, thành phố Vô Tích, diện tích chiếm khoảng 30 héc-ta.
Nơi đây nguyên là nền cũ chùa Tường Phù – ngôi chùa nổi tiếng thời Đường Tống.
Tượng Đại Phật ở Linh Sơn được xây dựng vào năm 1996 theo lệnh của Triệu Phác Sơ, cựu Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc.
Lý Kinh Trọc buồn bực trong lòng, ngoài miệng vẫn nhẹ nhàng trêu: “Thế Liễu Lang có hẹn người ta mùa thu này cùng ngồi thuyền chơi đêm trên hồ Động Đình không?”
Liễu Tức Phong cất thẻ kẹp sách vào túi: “Đến mức đó thì lỗ mãng quá.”
Anh mà cũng biết hai chữ lỗ mãng cơ đấy! Lý Kinh Trọc lại nói: “Tôi cứ tưởng lỗ mãng cũng là nghĩa vụ của Liễu Lang.” Dứt lời, lại cảm thấy lời này quá khó nghe, liền nhìn thử sắc mặt Liễu Tức Phong, hắn lại không có phản ứng gì, chỉ mở lời: “Đi mua dụng cụ vẽ tranh đi.”
Trên đường, Liễu Tức Phong không nói thêm gì nữa, bỗng nhiên Lý Kinh Trọc nhớ ra một chuyện, không rảnh bận tâm vừa rồi có chọc giận hắn thật hay không nữa, dùng giọng điệu nghiêm túc hỏi: “Liễu Tức Phong, anh vì chuyện không quan trọng này mà chịu cùng tôi đi lên trấn à?”
Liễu Tức Phong đáp: “Dù không có cậu, tôi cũng thường lên trấn.”
Lý Kinh Trọc nói: “Không phải, ý tôi là anh không sợ đụng mặt Tào Sâm Nham sao? Gã chỉ bị tạm giam mấy ngày là được thả rồi, cho dù không dám chạy tới quán nhà dì Tông gây sự, nhưng chỗ khác vẫn có thể đi.
Tôi nên suy nghĩ chu đáo hơn mới đúng, không nên gọi anh đi theo.”
Liễu Tức Phong: “Đụng mặt thì cho đụng, sớm muộn gì cũng phải gặp thôi.”
Lý Kinh Trọc suy nghĩ từ đầu đến cuối, một loại khả năng nổ ầm ầm trong đầu như sấm sét: “Đầu xuân năm nay anh cố ý đến đây, đừng nói là để gặp Tào Sâm Nham nhé?” Nhưng nghĩ theo hướng này lại không thông, “Vậy ngày hôm qua anh còn trốn theo tôi làm gì? Rốt cuộc là anh muốn gặp gã, hay là không muốn gặp?”
Liễu Tức Phong nói: “Không cố ý muốn gặp.”
“Không cố ý? Nghĩa là nhân tiện?” Lý Kinh Trọc bắt lấy trọng điểm, “Như anh nói đấy, chỉ cần ở quanh Trấn Thái Bình, ở vùng Động Đình này, sớm hay muộn cũng phải gặp gã.
Nơi này không lớn, qua một thời gian là ai ai cũng quen mặt, huống chi gã còn kéo theo một đám tay chân muốn tìm anh bằng được.”
Liễu Tức Phong dừng bước, nói một câu “Đến cửa hàng giấy bút rồi” liền đi thẳng vào trong.
Xem ra Liễu Tức Phong vẫn không muốn đề cập chuyện liên quan đến Tào Sâm Nham, Lý Kinh Trọc bó tay, dù sao cũng không thể ép người ta nói, chỉ có thể chú ý cẩn thận hơn, không tùy tiện đưa hắn lên trấn lượn qua lượn lại nữa.
Liễu Tức Phong đã vào trong cửa hàng, Lý Kinh Trọc còn ở ngoài cửa.
Anh ngẩng đầu nhìn, tấm biển treo bên trên không hề giống với toàn bộ bảng hiệu cửa hàng ở Trấn Thái Bình này, là một tấm hoành phi viền vàng, nền xanh sẫm đã hơi tróc sơn để lộ ít vân gỗ bên trong, trên bảng đề bốn chữ lớn màu vàng kim: Thái Bình Văn Phòng.
Đây là cửa hàng duy nhất chuyên kinh doanh văn phòng phẩm truyền thống ở Trấn Thái Bình, đã mở rất nhiều năm nhưng vẫn đứng sừng sững như núi, không giống với các hàng quán ăn uống cứ dăm ba hôm lại đổi chủ một lần, Lý Kinh Trọc không về quê mấy năm đã thay hình đổi dạng.
Hơn nữa, trước đây anh cũng chỉ về quê vào kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, chuyện chợ búa không đến phiên mình lo lắng cho nên không thường xuyên lên trấn trên, bây giờ nhìn lại, bản thân chẳng biết được hàng quán nào ra hồn, chỉ có hai cửa hàng là luôn nhớ rõ, một là quán trà của dì Tông, cái còn lại chính là Thái Bình Văn Phòng ngay trước mắt.
Chủ tiệm cũng nhớ rõ Lý Kinh Trọc.
“Cao lên, trưởng thành rồi.” Ông chủ Tiểu Vân đang bận chế màu vẽ, nhìn thấy Lý Kinh Trọc đến vội buông cối xay, tháo khẩu trang ra.
“Anh Vân.” Lý Kinh Trọc đi qua nhìn một hàng đĩa trên bàn, những thứ đó lần lượt là đá khổng tước, đá lục tùng, đá thanh kim, thư hoàng, hùng hoàng*…
*Đá khổng tước 孔雀石 – malachite
Đá lục tùng 绿松石 – ngọc lam
Đá thanh kim 青金石 – lapis lazuli
Thư hoàng 雌黄
Hùng hoàng 雄黄
“Lâu rồi không quay lại, cũng lâu rồi em không được thấy mấy thứ này.” Lý Kinh Trọc cảm thán.
Ngày nhỏ anh không học vẽ ở Trấn Thái Bình, mà ở Trường Sa, nhưng toàn bộ dụng vụ vẽ tranh đều mua ở đây.
Ban đầu vẽ chưa tốt chỉ dám mua màu tuýp công nghiệp bình thường, lớn thêm chút nữa, luyện tay nhiều hơn, vẽ đẹp hơn mới dám mua thuốc màu thủ công truyền thống ở chỗ ông chủ Tiểu Vân.
Ngày xưa về quê Lý Kinh Trọc cùng anh ta vẽ tranh, chính người này đã dạy anh cách chế màu vẽ.
Trước kia Lý Kinh Trọc gọi anh ta là anh Vân, nhiều năm không gặp, không ngờ vừa mở miệng ra vẫn theo thói quen cũ.
“Chu sa* mới nhập từ Trấn Phượng Hoàng.” Ông chủ Tiểu Vân chỉ vào một cái đĩa đựng khoáng vật màu đỏ, “Trông có đẹp không?”
*Chu sa – cinnabarit
Lý Kinh Trọc gật đầu: “Đẹp lắm.” Nhưng mắt anh thì vẫn mải tìm những thứ khác.
Ông chủ Tiểu Vân hỏi: “Tìm cái gì? Để anh tìm cho nhanh.”
Lý Kinh Trọc trả lời: “Lần này em về đây không có món họa cụ nào, tấm trải nỉ*, giấy, bút, mực, đĩa màu, giá bút…!Cái gì cũng phải mua mới.”
*Tấm trải nỉ 毡子
Ông chủ Tiểu Vân nhìn anh, đôi mắt mang cười: “Mấy thứ đó đều ở trên giá sau lưng em, liếc mắt lên bàn là muốn tìm cái gì? Nói đi, rốt cuộc muốn loại màu nào?”
Lý Kinh Trọc bị nhìn thấu tâm tư, đành phải thừa nhận: “Ừ, muốn mua cả màu vẽ nữa.”
Ông chủ Tiểu Vân mỉm cười chờ anh nói tiếp.
Lý Kinh Trọc quay đầu nhìn về phía Liễu Tức Phong đang hăng say sờ thử các loại tấm trải nỉ lông, thấp giọng hỏi: “Dây cột tóc của anh ấy phải dùng loại màu vẽ nào mới tốt nhỉ?”
“Vị khách đằng kia.” Ông chủ Tiểu Vân gọi Liễu Tức Phong, “Phiền anh đến gần một chút được không, đứng dưới đèn này để tôi nhìn kỹ.” Anh ta không biết hắn đi cùng Lý Kinh Trọc, chỉ nghĩ là khách vãng lai ghé vào tiệm.
Liễu Tức Phong cầm theo một tấm nỉ bằng lông cừu, vừa đi vừa sờ: “Có chuyện gì?”
Ông chủ Tiểu Vân cẩn thận nhìn dây buộc tóc, nói: “Quặng sắt nâu*.”
*Quặng sắt nâu 褐铁矿 – limonite
Liễu Tức Phong khó hiểu: “Cái gì quặng sắt nâu?”
“Cậu này muốn hỏi màu dây buộc tóc của anh.” Ông chủ Tiểu Vân giải thích, “Tôi nói màu vẽ phải làm bằng quặng sắt nâu.”
Trong mắt Liễu Tức Phong tràn ra ánh hào hứng, nói với Lý Kinh Trọc: “Bức đầu tiên cậu định vẽ tôi à?”
Ông chủ Tiểu Vân đáp thay: “Không, cậu ấy chỉ hỏi màu vẽ thôi.”
Nhưng cùng lúc đó Lý Kinh Trọc lại đáp: “Ừ, vẽ anh trước.”
Ánh mắt ông chủ Tiểu Vân đảo qua đảo lại: “Ủa? Hai người đi cùng nhau? Bạn của Kinh Trọc?”
Không biết vì sao Lý Kinh Trọc cảm thấy ngượng: “Đi cùng nhau.” Anh vốn định lặng lẽ mua loại màu thích hợp nhất, không để cho hắn biết.
Ông chủ Tiểu Vân lại nói: “Để anh đi xem có loại màu em muốn không.”
Lý Kinh Trọc: “Không vội, anh Vân chờ em nói hết rồi chúng ta cùng nhau đi xem.”
Ông chủ Tiểu Vân gật đầu: “Cần màu gì nữa?”
Lý Kinh Trọc không nhìn Liễu Tức Phong, ánh mắt tập trung trên mặt bàn, hỏi: “Mấy sợi dây buộc tóc của anh có màu gì?”
Liễu Tức Phong suy nghĩ, cẩn thận miêu tả toàn bộ dây buộc tóc của mình một lần.
Ông chủ Tiểu Vân cẩn thận nghe xong, trong lòng đã điểm được hết màu vẽ, liền nói: “Để tôi vào nhà lấy.”
Lý Kinh Trọc dặn: “Loại tốt nhất nhé.”
Ông chủ Tiểu Vân bật cười bất đắc dĩ: “Anh tự tay chọn mà em còn không yên tâm?”
Chủ tiệm vào nhà trong rồi, Lý Kinh Trọc mới nhớ ra một thứ, cũng theo vào thấp giọng nói: “Còn một cái nữa.”
Ông chủ Tiểu Vân hỏi: “Vì sao không nói luôn ở bên ngoài?”
Lý Kinh Trọc đáp: “Không muốn anh ta nghe được.”
“Anh ta?”
Lý Kinh Trọc: “Ừ.”
Ông chủ Tiểu Vân: “Bạn à.”
Lý Kinh Trọc: “Xem như vậy.”
Ông chủ Tiểu Vân chọn xong toàn bộ thuốc màu, đặt lần lượt từng chai vào hộp gỗ lót vải mềm: “Thế cần gì nữa nào?”
Lý Kinh Trọc nhắm mắt hồi tưởng một chút: “Màu sắc như thân chuồn chuồn, pha giữa màu lam và ánh kim, đặt dưới nắng sẽ ánh lên thành đủ loại nhan sắc, nhưng lại không phải một sắc màu cụ thể.”
Ông chủ tiệm lại bất đắc dĩ lần nữa: “Loại màu này em nói anh phải chọn kiểu gì?”
Lý Kinh Trọc cầm hộp gỗ: “Cũng đúng, không chọn được.”
Anh vừa chớm đi ra ngoài, ông chủ Tiểu Vân đã cất tiếng sau lưng: “Em luôn thích những thứ như vậy.”
Lý Kinh Trọc sửng sốt, quay đầu lại hỏi: “Như thế nào?”
Ông chủ Tiểu Vân trả lời: “Những thứ không xác định, những thứ cần hiểu tận gốc rễ, những thứ thay đổi liên tục, không thể làm rõ, không thể nắm bắt.”.