Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 32: 32: Hai Người Họ Là Anh Em Ruột Thịt Sao tại dưa leo tr.
Và có lẽ, là lần gặp gỡ anh không muốn tao ngộ nhất trần đời đã xuất hiện.
Trưa ngày hôm sau, sân trước bỗng trở nên chật chội vì sự xuất hiện của chiếc Mazda CX-30 hiên ngang chiếm cả lối đi.
Người phụ nữ trung niên bước xuống xe, giày cao gót đen bóng đạp lên lớp sỏi lướt đường dẫn lên bậc tam cấp chính diện.
Sự xuất hiện của bà ta tựa như con số 0 trên màn hình hiển thị thời gian của quả bom, mang trong mình lực sát thương khổng lồ mà chẳng một ai muốn đến gần.
Bà ấy tháo kính râm, ngước nhìn căn nhà mình không về suốt bốn năm trời, từng nhành cây ngọn cỏ, kể cả vị trí đặt bình hoa vẫn được giữ nguyên, điều đó càng khiến bà thêm chán ghét nơi đây.
Thậm chí, đến cả người làm vẫn không thay đổi.
Người phụ nữ liếc nhìn người không lớn hơn mình bao nhiêu tuổi, chầm chậm nhả ra từng từ.
“Con trai tôi đâu?”
Dì Thông gật đầu chào, sau đó đưa người phụ nữ kia lên tầng hai.
Đợi khi bóng lưng hai người đó khuất sau lối rẽ, Thanh Vân từ từ nhổm dậy, đứng ngoài sân thò đầu vào, giương đôi mắt hiếu kỳ trải lên từng bậc thang nhỏ.
Từ lúc bà ta bước vào, khí thế đã áp bức những người có mặt, đến cả người nhiều tuổi như dì Thông vẫn phải cúi đầu chào người nhỏ hơn mình.
Với tư duy hiếm khi nhạy bén của Thanh Vân, cô đoán người đến chắc hẳn có vai vế khá cao trong gia đình.
Hơn nữa, bà ấy đến đây tìm con trai, Thanh Vân không biết ai có giới tính khác trong căn nhà này ngoài Dĩ Lâm.
Nhắc đến cái tên đó, Thanh Vân bỗng trợn tròn mắt kinh ngạc, xô nhựa trong tay rơi xuống thảm cỏ xanh rờn.
Xin ai đó hãy nói với cô suy đoán kia là giả đi! Rằng bà ta chỉ là khách đến thăm, không phải mẹ Dĩ Lâm.
Thanh Vân mang theo nghi vấn đến tìm bạn chí cốt cùng nhau đàm đạo.
Tiếc rằng, bạn chí cốt đang loay hoay pha trà rót nước.
Khỏi nói cũng biết, hai tách trà bốc khói kia là dành cho ai.
Thanh Vân nép mình vào góc nhỏ dưới chân cầu thang, mỉm cười nịnh hót khi bạn chí cốt đi qua.
Tầm Phương thoáng dừng bước, phóng hơn hai mươi dấu chấm hỏi vào người Thanh Vân.
“Bị gì vậy? Đừng nói cậu vừa bị bạn trai đá đấy nhé.”
Thanh Vân bĩu môi, cười cợt: “Còn lâu, mình và ảnh yêu nhau nồng thắm lắm đó.” Nói rồi, mặt cô nàng đỏ lên tức thì.
Tầm Phương lắc đầu ngao ngán: “Hy vọng là cậu giữ chặt thằng đó trong tay, thả nó ra ngoài xã hội lại khổ đời con gái nhà người ta.” Tầm Phương nói thế vì cô chẳng mấy hài lòng về người bạn trai kia của Thanh Vân, xét trên thang điểm mười, anh ta cố lắm chỉ với đến con số ba.
Tệ hại đến không thể tệ hại hơn.
Thanh Vân cắn môi, vờ như không hiểu ý tứ châm chọc trong lời nói của bạn mình, lảng sang chuyện khác.
“Cậu mang trà lên lầu cho khách phải không? Mình gặp bà ấy ở cửa rồi, nhìn thì sang đó, nhưng tính tình không mấy tốt.
Nói hơi mất lòng là người khó ở.
Mình còn nghe trộm bà ấy nói với dì Thông là tới tìm con trai, trong nhà này ngoại trừ anh Lâm ra thì còn ai đâu, cho nên…”
Thanh Vân tựa cả người lên tay vịn cầu thang, cùng Tầm Phương ngước nhìn lầu hai xa vời vợi.
Trái ngược với hiếu kỳ, ham vui của Thanh Vân, Tầm Phương trong vô cùng bình thản.
Cô nhớ đến những lời đêm hôm qua anh nói với mình, xâu chuỗi cả lời Thanh Vân nói, ít nhiều đã đoán được quan hệ hai mẹ con nhà này không mấy êm ấm, có thể nói là như chó với mèo.
Cô quở mắng: “Vân à! Đi làm thì lo đi làm đi, suốt ngày chỉ có hóng hớt là giỏi thôi.
Ban đêm cậu hóng drama trên mạng chưa đã sao?”
Đột nhiên bị chí cốt trách, Thanh Vân ỉu xìu chả còn tí hứng thú buôn chuyện.
Cô nàng trườn người khỏi tay vịn, vất vưởng “bay” vào phòng bếp bật nút nồi cơm.
Tầm Phương thu lại thái độ nghiêm túc khi đứng trước phòng anh, cô giơ tay gõ cửa, sau đấy bước vào bầu không khí chẳng mấy dễ chịu.
Dĩ Lâm vẫn ngồi trên chiếc ghế quen thuộc, ngón trỏ tay phải gõ nhẹ lên mặt bàn thủy tinh.
Phía đối diện có mẹ anh đang ngồi, bà cúi đầu xem tin nhắn trên điện thoại, không nói với anh nửa lời.
Tầm Phương không dám nhìn lâu, cô chỉ cảm thấy bóng lưng kia khá quen, trong nhất thời không nhớ ra mình đã từng gặp bà ấy ở đâu.
Cô khom lưng, đặt nhẹ tách trà nóng xuống bàn.
Không quên đẩy tay ai đó đến gần tay cầm, để hơi nóng nhắc nhở anh về sự tồn tại của nó, tránh sự cố ngoài ý muốn nào xảy ra.
Tầm Phương chần chừ vài giây mới nhấc chân về hướng mẹ Lâm.
Đúng như cô nghĩ, quan hệ mẹ con nhà này vô cùng tệ, phải thừa nhận việc hầu hạ một người khó ở đã khổ, nay còn hầu hạ tận hai người khó ở.
Đâm ra, cô như cây xúc xích kẹp giữa ổ bánh mì, lăn qua lộn lại trong bếp than hồng chỉ chờ người ta tới ăn.
Nhưng bạn biết không? Bất ngờ luôn đến vào phút 89 và chẳng cho ta một cơ hội lật ngược tình thế.
Nước trong ly gợn sóng, những con sóng dần trở nên khuếch đại văng ra thành ly, mu bàn tay người nắm, cuối cùng đọng dưới đế ly cứng cáp.
Tay Tầm Phương run lên, cả sức lực để mở miệng nói cũng không.
Cô sững sờ đứng giữa hai người, mở to mắt nhìn người phụ nữ kia.
Có thể vì biểu cảm trên mặt cô quá lố lăng, người kia biết mình không thể im lặng mãi bèn cất cao giọng, hướng mọi vấn đề lên người cô.
“Sao con lại ở đây? Bác nghe Đồng Song nói con đang làm ở…” Nói đến đây bà không tiếp tục câu hỏi của mình nữa, ngầm hiểu ra vấn đề.
Chỉ có Dĩ Lâm vẫn chưa hiểu tình huống gì đang xảy ra trong phòng mình, anh mở miệng, lời nói sắc bén cắt đứt đường dây trao đổi thông tin qua ánh mắt của hai người phụ nữ.
“Cái gì đây? Ngay cả Tầm Phương mà mẹ cũng quen à?”
Mẹ sao? Đến lúc này Tầm Phương chẳng thể giữ nổi bình tĩnh.
Anh vừa gọi mẹ của Đồng Song là mẹ mình, hai người họ là anh em ruột thịt sao? Không thể nào? Điều đó thật sự quá hoang đường, dù cho tiền cô cũng không tin.
Vậy mà, điều cô cho rằng hoang đường kia hoàn toàn là sự thật.
Đồng Song và Dĩ Lâm có chung một người mẹ, hay nói đúng hơn là…
“Bác là mẹ ruột của hai người này sao? Bác sinh ra hai anh ấy à?”
Chỉ một cái gật đầu và tiếng đáp “phải” của bác ấy đã đưa Tầm Phương đi hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Cô lùi về sau, hết nhìn Dĩ Lâm lại sang mẹ anh, như đang tìm kiếm một tia giả dối trên gương mặt cả hai.
Tiếc thay, cô chẳng thu về được gì, trái ngang hơn là nhận về quá nhiều tin tức chấn động.
Tầm Phương lùi bước, trả không gian riêng tư cho hai mẹ con anh.
Khi cánh cửa đóng kín, cô vẫn chưa rời đi, tựa lưng lên bức tường bên cạnh, ôm khay inox vào lòng.
Từ câu từng chữ trong cuộc đối thoại của họ đều lọt vào tai cô.
Dĩ Lâm nói: “Mấy năm rồi mẹ không về, thì bây giờ về làm gì? Nếu sống bên đó hạnh phúc quá thì ở bên đó đến hết đời đi.
Hay vì chồng giỏi con ngoan không ai chọc tức nên mẹ về đây nhờ con nói vài câu chọc mẹ giận hả?”
Sau đó, giọng mẹ Lâm từ tốn vang lên, không giận nhưng uy nghiêm.
“Biết mấy năm mẹ không về mà con còn có thái độ đó hả? Bao nhiêu tuổi rồi mà sao chẳng nên người chút nào, con chỉ biết mỗi nói móc và lếu láo ra thôi sao?”
“Đúng vậy đấy, vừa lòng mẹ chưa? Thích con ngoan thì về tìm thằng quý tử của mẹ.”
Mẹ Lâm giận đỏ mặt, đập mạnh tay lên bàn.
Bên ngoài này, Tầm Phương giật mình vì tiếng quát của bà, xém chút đánh rơi chiếc khay trong tay.
“Mày y chang thằng cha của mày, khi xưa ông ta chơi bời, ngang ngược bao nhiêu thì mày gấp đôi.
Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.”
Dĩ Lâm bực bội xoay mặt sang hướng khác, không thèm đoái hoài đến bà và từng câu mắng chửi tuôn ra xối xả.
“Bởi vì mày không nghe lời mẹ nên mới ra cớ sự như hôm nay, đáng đời mày, cho mày biết mùi cực khổ, để coi sau này còn lớn gan cãi mẹ nữa không?” Mẹ Lâm hậm hực, gạt đổ tách trà xuống sàn gỗ.
Dĩ Lâm siết chặt tay cầm, chầm chậm thưởng ly trà trên tay.
Tầm Phương căng thẳng ôm chiếc khay cứng ngắc, mòn mỏi chờ đợi lời đáp của anh.
Cô không nghĩ ra Dĩ Lâm sẽ dùng lời nói gì, thái độ gì, sau những câu nói hơi hướng thóa mạ của bà.
Trong ấn tượng của cô, bác ấy là người phụ nữ đôn hậu, đoan trang, đức hạnh, chưa từng thốt ra một lời nói nặng nề nào.
Ai có ngờ đằng sau vẻ ngoài hoàn hảo đó lại là người mẹ nóng nảy, bộc trực.
“Không biết bác ấy có mắng Đồng Song bao giờ chưa?” Tầm Phương tự nhủ.
Dĩ Lâm đặt tách trà lên bàn, ngả người về sau, bắt chéo chân, bàn tay vỗ nhẹ lên đầu gối.
Dáng ngồi thong thả như đang trò chuyện cùng người thân tại khu nghỉ dưỡng sang trọng, chẳng hề giống với hình ảnh người con vừa bị mẹ quở trách.
Anh bật cười, niềm tin vỡ nát tuôn ra từ khóe mắt.
“Vậy cho nên, vì để cho con biết mùi đau khổ, mẹ đã mua giác mạc của người chết não kia à? Mẹ mua bao nhiêu thế? Hai mươi hay hai trăm?”
Sắc mặt mẹ Lâm thay đổi, bà gặng hỏi: “Sao con biết được chuyện đó?”
Dĩ Lâm thở dài thất vọng, anh đã từng cho rằng mẹ không thương mình, hoặc vì một lý do khác mới cư xử lạnh nhạt với đứa con bà đứt ruột sinh ra.
Sau này, lớn hơn đôi chút suy nghĩ đó đã thay bằng lý do bà hận cha, hận người đàn ông bội bạc để lại mầm họa vào cơ thể mình.
Cho đến tận hôm nay, anh chợt nhận ra bà không vì lý do nào hay một ai khác, bà bạc bẽo với anh chỉ đơn giản vì chính anh là mầm họa.
Mà đã là họa thì chẳng được thương yêu, đáng lý ra anh phải hiểu điều này hơn bất kỳ ai.
Chỉ tiếc rằng, anh hiểu ra quá muộn, phí hoài bao năm hoang tưởng, hờn trách người vô tội.
“Mẹ quên là cựu viện trưởng nơi đó là đồng chí năm xưa của ông ngoại à.
Dù ông ấy không làm tại bệnh viện đó nữa, nhưng vài tin tức nhỏ nhặt vẫn có thể tìm ra.”
“Ừ, mẹ mua đó thì sao?” Bà không đôi co, trực tiếp thừa nhận việc xấu mình làm.
“Mẹ ghét con à? Hay vì những gì con đã làm với gia đình đó nên mẹ muốn hại nửa đời còn lại của con? Hay là vì…!chuyện năm xưa?”
Rất nhiều ký ức, hoài nghi như lũ quay về, đánh vào bờ đê nghi vấn, luồn qua từng khe hở dù là nhỏ nhất, thấm đẫm mối quan hệ mong manh tựa giấy giữa hai mẹ con, rệu rã từng chút một.
Anh không ngần ngại đưa ra suy luận.
“Con biết rồi, là tất cả.
Mọi thứ đều làm mẹ không vui, không hài lòng đúng chứ? À, hóa ra là vậy.” Anh bật cười trào phúng, vẻ mặt lộ ra biểu cảm tôi đã thông suốt.
“Tiếp theo mẹ nên mua hết giác mạc trong các bệnh viện toàn quốc đi, sau đấy đến tìm bác sĩ có chuyên môn cao xin chữ ký và ánh giá tình trạng của con.
Đợi khi ông ngoại qua đời, mẹ có thể dùng những thứ kia đều cuỗm hết tiền của ông.” Dĩ Lâm vỗ tay bồm bộp, khoái chí kêu lên: “Tuyệt vời thưa mẹ! Đứa con trai này cuối cùng đã trưởng thành rồi, biết vạch đường đi cho mẹ nữa đấy.” Nụ cười trên mặt anh vụt tắt, quay về làm đứa con ngỗ nghịch thường ngày: “Tốt hơn hết là mẹ làm ngay đi.
Bằng không, khi con sáng mắt rồi sẽ tiêu hết đống tiền đó của ông ngoại, tiêu không hết thì mang đi làm từ thiện, một xu cũng không để lại cho mẹ và thằng con cưng của mẹ đâu.”
“Còn bây giờ thì mẹ về được rồi, nhớ sau này đừng đến đây nữa.”
Mẹ Lâm xách túi rời đi, trước khi ra đến cửa bà xoay người nhìn Dĩ Lâm, nói: “Biết trước có kết quả như hôm nay, thì khi mới sinh mày ra, đã trả mày về cho ông ấy rồi.”
Câu nói tưởng chừng vô hại đó vô tình xuyên qua trái tim người nghe, hằn sâu lên đó vết sẹo khó lành.