Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 42: Thanh Vân (8) tại dualeotruyen.
Y vừa nói gì ấy nhỉ?
À, gán lên người Tạ Thức Y.
Chẳng trách Tạ Thức Y lại gọi y là “tiểu sư đệ” bằng giọng điệu đó.
Ngôn Khanh: “…”
Đúng lúc này, tiếng chuông trưa trầm và vang của tông Vong Tình cất lên, truyền khắp hơn ba trăm đỉnh núi. Tiếng chuông giờ ngọ vào tai như sấm giáng xuống đầu Ngôn Khanh, làm đầu y tê rần, hơi nóng xộc thẳng lên đỉnh đầu. Không muốn ở lại cái nơi khó thở này thêm một giây phút nào, tay vịn bệ cửa, Ngôn Khanh nhảy phắt qua bệ cửa sổ rồi chạy thẳng.
Chỉ còn các đệ tử đứng cứng đờ như tượng đá trong phòng học, tan lớp rồi mà chẳng biết làm sao.
Bất Đắc Chí đã lủi vào tay áo Ngôn Khanh sau khi Tạ Thức Y xuất hiện. Giờ được Ngôn Khanh mang ra ngoài, nó mới thở phào, chậm rãi quạt cánh đậu lên vai Ngôn Khanh rồi nhìn xung quanh với vẻ tò mò: “Ngươi sao đấy?”
Ngôn Khanh bình tĩnh hỏi: “Có thuốc nào làm người ta mất trí nhớ không?”
Bất Đắc Chí: “Hả? Ngươi muốn uống à?”
Ngôn Khanh: “Không, ta muốn cho Tạ Thức Y uống.”
Y sống hai đời mà chưa từng thấy ngại ngần đến vậy! Cứ nghĩ đến việc tối nay về đỉnh Ngọc Thanh gặp mặt Tạ Thức Y, là Ngôn Khanh lại muốn đập đầu xuống đất!
Y vừa dằn vặt bản thân vừa đi sâu vào rừng trúc, nào ngờ lại khéo chạm mặt các đệ tử của phòng học cấp thiên vừa tan lớp. Đứng lẫn trong đám người, Minh Trạch lập tức nhìn thấy Ngôn Khanh, hai mắt cậu ta sáng bừng lên sau đó và hớn ha hớn hở chạy qua chỗ Ngôn Khanh sau khi chào người bạn học.
“Yên huynh!”
Thấy Minh Trạch, Ngôn Khanh quan sát cậu ta một lượt từ trên xuống dưới: “Minh Trạch đạo hữu? Bữa trở về từ chợ Nam huynh không bị thương chứ?”
Minh Trạch lắc đầu quầy quậy và có vẻ ngại ngần: “Không không, ta không bị thương. Câu này ta phải hỏi huynh mới đúng, Yên huynh bị lão ma chủng đó bắt đi xong có sao không?”
Ngôn Khanh thở dài yếu ớt: “Ta không sao.”
Đêm ấy không sao, đêm nay mới có.
Minh Trạch ngượng ngùng gãi đầu rồi cười nói: “Ta vốn định đi cùng huynh, nhưng tiền bối ở Tiên minh ấy nói ta bị trúng trận pháp của ma chủng nên cần về tông môn nghỉ ngơi, do đó ta mới đi trước.”
Ngôn Khanh không khỏi nhìn cậu ta: “Huynh giải thích với ta làm gì chứ. Tính ra thì ngày đó ta mới là người làm huynh bị cuốn vào.”
Minh Trạch: “Không không không, nếu ta không bị lão khống chế thì đã không làm hại huynh bị bắt.” Nói đoạn tầm mắt đặt lên người Bất Đắc Chí, cậu ta tò mò hỏi: “Lại nói, Yên huynh, linh sủng của huynh rốt cuộc là gì thế? Trông như dơi nhưng nhìn kỹ lại giống chim hơn. Nó có tên không vậy?”
Ngôn Khanh liếc nhìn Bất Đắc Chí. Đột nhiên được hỏi tên, Bất Đắc Chí lập tức xốc tinh thần. Nhưng nó bị Ngôn Khanh hạ chú nên không thể nói chuyện, điều này làm nó rất bực bội- chẳng lẽ uy danh “Lôi Đình Diệt Thế Hắc Đại Dơi”của nó chỉ để cho một người biết được à?
Ngôn Khanh cười đáp: “Ta cũng không biết nó là con gì. Còn tên ấy à, có chứ, tên là Bất Đắc Chí.”
Minh Trạch: “Hả? Bất Đắc Chí?”
… Bất Đắc Chí- thất bại ấy hả? Sao lại có chủ nhân lấy tên này cho vật nuôi của mình?
Ngôn Khanh nói với vẻ nghiền ngẫm: “Thật ra ấy mà, cái tên này cũng có cả một câu chuyện đấy.”
Câu chuyện bắt nguồn từ việc con dơi nọ đã rèn ra được một cái mồm cãi nhau xoen xoét.
Mà cái mồm xoen xoét của nó khả năng là do nó từng phải trải qua một cuộc đời khổ sở, thế nên y mới mượn câu “tự tố bình sinh bất đắc chí”.
Nghĩ đến đây, Ngôn Khanh nở một nụ cười khó hiểu, rồi chậm rãi nói: “Kể ra thì rất dài dòng.”
Minh Trạch sửng sốt, kể ra rất dài dòng? Hoàn hồn xong cậu ta lại thấy kính nể, ánh mắt nhìn Bất Đắc Chí cũng trở nên bộn bề cảm xúc. Ấn tượng của cậu ta về Bất Đắc Chí cũng biến đổi từ “một con chim gian ác và dữ tợn” thành “một con chim gian ác và dữ tợn đeo trên lưng quá khứ nặng nề”.
Bất Đắc Chí: “Sao gã nhìn bổn tọa kỳ cục vậy?”
Ngôn Khanh cười nhẹ: “Chắc là rúng động bởi tên của ngươi đấy.”
Minh Trạch lại nói: “Yên huynh, lát nữa ta cần đến đỉnh Tĩnh Nộ, huynh có muốn đi cùng ta không?”
Ngôn Khanh sửng sốt: “Đỉnh Tĩnh Nộ?”
Minh Trạch nói: “Đúng vậy, sư tổ của ta mới xuất quan mấy ngày trước nên cũng mới biết chuyện tiền bối Tử Tiêu đã qua đời. Sau đó sư tổ bảo ta đưa một món đồ đến đỉnh Tĩnh Nộ.”
Đỉnh Tĩnh Nộ- Tĩnh Nộ phong không thiết lập trận pháp, cũng không có thời tiết khắc nghiệt phủ đầy sương tuyết như đỉnh Ngọc Thanh của Tạ Thức Y.
Bước vào, rừng phong xanh mênh mang sẽ trải bạt ngàn tầm mắt. Dưới cảnh xuân rực rỡ, lá cây rụng xuống trải thành một lớp thảm dày.
Minh Trạch lấy ra một con hạc giấy nhỏ và nhờ nó dẫn đường, kế đó cậu ta vừa đi vừa tò mò nói: “Tiền bối Tử Tiêu tính tình nóng nảy, ghét ác như thù, mà không biết tại sao lại trồng nhiều phong xanh trước động phủ đến thế.”
Trầm ngâm hồi lâu, Ngôn Khanh nhẹ nhàng đáp: “Có lẽ là bởi phong xanh ở dân gian ngụ ý tương tư.”
Minh Trạch: “Sao cơ?”
Ngôn Khanh xòe tay, đỡ lấy một chiếc lá phong lững lờ rơi xuống: “Cũng ngụ ý là lưu luyến.”
Chiếc lá trong tay bị gió cuốn đi.
Lá phong tựa như đang sải cánh bay cao. Mà cây phong xanh vẫn cắm rễ vào cố thổ, nó vẫn đứng thẳng người trong im lặng, như một lời níu giữ người ở lại trong âm thầm.
Ngôn Khanh từng chứng kiến cuộc đời của lão ở bí cảnh động hư, nên với y thì rừng phong này cũng không xa lạ lắm.
Đến nơi này, y lại được thấy những vị trí quen thuộc: bộ bàn ghế đá phủ kín bụi bặm và lá khô, thềm ba bậc bằng đá xanh cũ nát, và cả dãy hành lang phỏng lại nhà cũ chốn xưa.
Tử Tiêu lánh mình sâu giữa rừng phong.
Chính tại đây, Kính Như Ngọc đã quỳ xuống trong mưa, ôm mặt khóc và chìa tay cầu xin với vẻ tuyệt vọng, sắc máu lóe lên giữa những ngón tay sơn móng đỏ chót của ả. Cũng chính tại đây, một thiếu nữ đã bước từng bước từ chỗ không được coi trọng, đến trở thành Môn chủ môn Phù Hoa tôn quý vô song, thay thế cho chị gái của mình.
Trả đủ ân oán, thiếu nữ váy xanh quay đầu trong gió, giả làm cố nhân dưới hoàng tuyền để gửi tới Tử Tiêu lời từ biệt cuối cùng, “Ca ca, muội tha thứ cho ca.”
Hẳn là khi ấy Tử Tiêu đã suýt tẩu hỏa nhập ma.
Ngôn Khanh không giấu được nụ cười châm chọc.
Minh Trạch không dám đi vào, chỉ dám đứng trước cánh cửa và nói nhỏ: “Ta nghe các sư huynh kể rằng, trưởng lão Tử Tiêu là một quái nhân. Ngài ấy tuy là Thái thượng trưởng lão, nhưng lúc nào cũng đi ngao du thiên hạ trừ gian diệt ác với thanh Thì Đỗi trên tay. Ngài ấy rất hiếm khi xuất hiện trước mặt mọi người.”
Ngôn Khanh: “Rất hiếm khi xuất hiện? Vậy sao sư tổ của huynh lại quen biết hắn?”
Minh Trạch đáp: “Ta không biết rõ. Chỉ biết sư tổ từng nhận ơn từ trưởng lão Tử Tiêu.”
Ngôn Khanh nói: “Nếu đã có ơn, thì sao sư tổ của huynh không đích thân đến?”
Minh Trạch lấy làm bối rối: “Tại vì, sau này sư tổ lại kết thù với trưởng lão Tử Tiêu. Thật ra trưởng lão Tử Tiêu vốn luôn thẳng thắn, nên có nhiều kẻ thù trên Thượng Trùng Thiên này lắm.”
Ngôn Khanh cười nhẹ.
Minh Trạch lại nói: “Yên huynh biết sao nơi này lại tên là Tĩnh Nộ không?”
Ngôn Khanh: “Tại sao?”
Minh Trạch trả lời: “Ta nghe các sư huynh kể, xưa chỗ này gọi là đỉnh Quan Hà. Nhưng sau khi trưởng lão Tử Tiêu nhập môn, Tông chủ đã ban ngọn núi này cho ngài ấy và đồng thời đổi tên ngọn núi. Tĩnh Nộ, tĩnh nộ. Cũng là lời khuyên nhủ của Tông chủ dành cho trưởng lão Tử Tiêu.”
Ngôn Khanh nói: “Khuyên rất chí lý.”
Có thể thấy rõ bản chất của Tử Tiêu qua bí cảnh động hư: một kẻ cô độc, hung dữ, nóng nảy, và dễ giận. Bây giờ Ngôn Khanh vẫn nhớ màn đầu tiên trong bí cảnh là hình ảnh chàng trai trẻ áo đen bị một vết sẹo kéo dài vắt ngang qua mắt, hắn ta xách đao đi trên con đường ruộng dẫn tới quê nhà, thịnh nộ trong mắt đã sắp thiêu rụi linh hồn của hắn.
Sau đó là cảnh tượng máu chảy thành sông và cơn mưa tầm tã nằm sâu trong hồi ức. Cùng với ánh mắt lo lắng của hai ông bà già, và tiếng gào khóc gọi ca ca của cô bé gái.
Quá khứ chất chồng hóa thành dải rừng phong đằng đẵng, dải rừng phong đằng đẵng lại trải thành cố hương không thể nào trở lại trên đỉnh Tĩnh Nộ này.
Minh Trạch lấy một chiếc hộp từ tay áo, mở ra, bên trong đặt một chén rượu.
Vâng lời sư tổ, cậu ta tưới rượu xuống đất, coi như lời vĩnh biệt cuối cùng.
Sau khi đặt cả chén rượu xuống đất, Minh Trạch nói: “Yên huynh, chúng ta đi thôi.”
Ngôn Khanh gật đầu.
Minh Trạch trầm ngâm nhìn cánh rừng phong, nói: “Trước kia ta nghe đồn trưởng lão Tử Tiêu gϊếŧ người thân nhằm nhập đạo, sau này vào phong Tịnh Song ta mới biết chân tướng, thì ra trưởng lão Tử Tiêu bị kẻ gian hãm hại: kẻ gian dùng ảo ảnh đánh lừa, làm ngài ấy tưởng người thân mình đã chết trong tay yêu ma, yêu ma còn biến thành cha mẹ chờ sẵn ở nhà để gϊếŧ mình.”
“Trưởng lão lập tức xách đao về thẳng nhà trong đêm, gϊếŧ sạch yêu ma báo thù rửa hận. Tỉnh lại, mới nhận ra người chết không phải yêu ma, mà là cha mẹ và em gái.”
Ngôn Khanh cũng đã biết chuyện này nên không lên tiếng.
Minh Trạch gãi gãi tai, lấy làm khó hiểu: “Yên huynh nghĩ sao trưởng lão Tử Tiêu lại gϊếŧ lầm được thế? Chẳng lẽ lúc ngài ấy ra tay, cha mẹ ngài ấy không gọi tên ngài ấy? Đã là máu mủ ruột già của nhau thì sao có thể không phân biệt được thật giả?”
Hồi tưởng lại một chuỗi những hình ảnh tại bí cảnh động hư, Ngôn Khanh khẽ đáp: “Hẳn là, khi ấy hắn đã bị cơn giận chi phối.”
Rừng phong đón gió xì xào, lá phong đáp xuống nhẹ xôn xao.
*
Môn Phù Hoa.
Phiến lá rơi vào một bàn tay đẹp tuyệt trần, rồi tan thành khói bụi dưới sức ép của nội lực. Kết thúc tu hành, Kính Như Ngọc mở mắt và bước xuống bậc thềm đá trên đỉnh Tuyền Cơ. Thấy ả ra ngoài, người thị nữ có khuôn mặt mới tinh mới cung kính tiến lên: “Môn chủ, Tam công tử nhà họ Tần chờ ở điện Tuyền Cơ đã lâu rồi ạ.”
Vô số cung tì và thị vệ quỳ rạp mình, không dám thở mạnh trên suốt dọc đường từ hậu sơn đến điện Tuyền Cơ.
Kính Như Ngọc hỏi thị nữ: “Tần Trường Hi đến được bao lâu rồi?”
Thị nữ không dám gọi thẳng tên Tần Tam công tử, cô ả run giọng đáp: “Bẩm môn chủ, công tử đã đến được mấy canh giờ ạ.”
Điện Tuyền Cơ là chính điện của môn Phù Hoa, chuyên dùng cho các buổi nghị sự, những người không liên quan không được phép xuất hiện bên trong. Do đó, thị nữ chỉ dám cung kính chờ đợi bên ngoài trong lúc Kính Như Ngọc tiến vào. Tần Trường Hi không ngồi nguyên tại chỗ mà đang ngẩng đầu quan sát hoành phi trên cửa điện. Cái tên Tuyền Cơ có ý chỉ ngọc ngà, đồng thời là tên của một nhóm sao bắc đẩu, mà phong cách bày biện và trang trí trong điện cũng vô cùng hoa lệ, trong số đó phải kể đến hoành phi. Trên hoành phi viết hai chữ “Tuyền Cơ” do chính môn chủ đời trước nữa chấp bút, chúng ẩn chứa đạo ý mênh mang của kỳ hóa thần; xung quanh hoành phi được điểm xuyết bằng lưu ly, tạo thành dải sao bắc đẩu tôn lên hai chữ Tuyền Cơ nằm chính giữa.
Tần Trường Hi đeo mặt nạ bạc, thân vận hồng y, thấy Kính Như Ngọc bước vào, gã mới ngỏ lời chào làm bộ làm tịch: “Ra mắt môn chủ.”
Kính Như Ngọc mỉm cười: “Giữa chúng ta không cần phải đa lễ.” Đoạn ả bình thản nói: “Chẳng hay Tần công tử mới xem cái gì?”
Cầm quạt xếp trong tay, Tần Trường Hi cười khẽ: “Ta đang nhìn châu ngọc trên bức hoành phi.”
Kính Như Ngọc nhướng mày: “Ngọc?”
Tần Trường Hi: “Đúng, ngọc này thoạt trông bình thường, nhưng lại ẩn chứa tạo hóa bao la, ngẫm lại thì chắc hẳn chính là lưu ly thúy ngọc châu?”
Kính Như Ngọc vẫn luôn mỉm cười: “Tần Tam công tử quả là tinh tế.”
Tần Trường Hi và Kính Như Ngọc không thường giao lưu, quan hệ cũng không đến mức thân thiết. Tuy nhiên gã cũng biết tính nhẫn nại của môn chủ môn Phù Hoa không được tốt lắm, do đó sau khi nói cười chốc lát, gã liền đi thẳng vào trọng tâm: “Ta đến thăm hôm nay là để hỏi môn chủ xem, lần này môn Phù Hoa sẽ sắp xếp sân tỷ thí ở nơi nào.”
Bờ môi đỏ nhếch lên như nửa cười, Kính Như Ngọc trả lời với giọng điệu dí dỏm: “Tần công tử muốn hỏi ta về đại hội Thanh Vân?”
Đại hội Thanh Vân tuy là chuyện hệ trọng chỉ được tổ chức trăm năm một lần, nhưng cũng chỉ là hệ trọng so với đám tán tu và các đệ tử của tông môn. Nhưng một tông môn thì có thể có bao nhiêu đệ tử mới so với đại hội trăm năm về trước, do đó hầu hết các trưởng lão đều không quá để tâm đến đại hội Thanh Vân, huống hồ là tông chủ.
Trong mắt những người có chức vị cao như bọn họ thì đại hội Thanh Vân chỉ như một cảnh nối. Cái bảng Thanh Vân mà người đời háo hức bàn về ấy cũng bất quá chỉ là biểu tượng cho các thiếu niên có tài. Ý nghĩa duy nhất của đại hội Thanh Vân mà Kính Như Ngọc để ý tới là cuộc tụ họp của cửu đại tông môn.
Nghĩ đến đây Kính Như Ngọc tỏ vẻ thờ ơ: “Ta giao chuyện đại hội Thanh Vân cho Thương Thanh trưởng lão của môn ta xử lý, nên cụ thể ra sao ta cũng không nắm rõ.”
Tần Trường Hi nở nụ cười nghiền ngẫm: “Ta khuyên môn chủ nên tự mình lo liệu lần này.”
Kính Như Ngọc nói: “Ồ? Ý Tần công tử là gì?”
Tần Trường Hi nói: “Môn chủ đã gặp Tạ Ứng chưa?”
Sắc mặt thoáng chốc lạnh băng, Kính Như Ngọc nhìn Tần Trường Hi chòng chọc: “Gặp rồi. Rốt cuộc chuyện Tạ Ứng phá đạo Vô Tình khi vào thành Thập Phương trăm năm về trước là thật hay giả? Ta thấy hắn…”
Tần Trường Hi: “Vẫn là hóa thần đỉnh, phải không?”
Kính Như Ngọc yên lặng.
Tần Trường Hi vuốt ve hình hoa mơ được chạm rỗng trên quạt xếp: “Tạ Ứng đã nói gì với môn chủ?”
Kính Như Ngọc cười khẩy: “Hắn bảo ta thử đoán xem, hắn đã làm gì trong một trăm năm bế quan này.”
Tần Trường Hi cười an ủi ả: “Môn chủ đừng giận, hủy đạo và trùng tu không phải chuyện đơn giản. Y dám hủy đạo Vô Tình thì đan điền tất sẽ bị trọng thương, hẳn sau trăm năm y sẽ hành động kiềm chế hơn.”
Kính Như Ngọc tiếp tục cười khẩy: “Kiềm chế? Vừa xuất quan đã gϊếŧ sáu người của gia tộc họ Tần, Tiêu, Ân. Đây là kiềm chế mà ngươi muốn nói đấy à?”
Tần Trường Hi không trả lời trực tiếp câu hỏi của ả: “Kính môn chủ, Tạ Ứng hiện không ở điện Tiêu Ngọc.”
Kính Như Ngọc thoáng ngẩn người: “Không ở điện Tiêu Ngọc?”
Tần Trường Hi gật đầu: “Phải, lần trước ta và Ân tông chủ đến gặp nhưng hoàn toàn không thấy hắn, chỉ có một con chim ruồi đậu ở đấy… Tạ Ứng hiện giờ đang ở tông Vong Tình.”
Kính Như Ngọc nhướng mày.
Sau khi làm chủ điện Tiêu Ngọc, Tạ Ứng rất hiếm khi xuất hiện ở châu Nam Trạch. Điện Tiêu Ngọc nằm cạnh đại trận diệt ma lồng lộng gió tuyết, mỗi lần đến bái kiến, họ chỉ có thể nhìn thấy hắn ngồi tít tắp trên cao, tay cầm bút son vạch ra những nét chữ quyết định sinh tử cho những cái tên người.
“Hắn về tông Vong Tình làm gì?”
Tần Trường Hi mỉm cười: “Ta nghe tông Lưu Quang nói, Tạ Ứng có đạo lữ.”