Bạn đang đọc truyện online miễn phí Chương 11: Nhật ký tại dưa leo tr.
Mùa thu năm 1941.
“Chị Út, chị Út, bà Sáu bị xử chết rồi.”
Ngọc Út ngẩng đầu, một tia kinh hoàng hiện lên trong đáy mắt. Nàng bỏ dở chậu quần áo đang giặt, vội vàng đứng dậy xỏ đôi guốc mộc bên cạnh, “Bà ấy đang ở đâu, bé Dung dẫn chị ra đi.”
Bé gái vầng trán lấm tấm mồ hôi, giống như vừa chạy thục mạng về để báo tin với Ngọc Út.
“Nhanh lên thôi, trưởng làng và các bô lão đang chuẩn bị hành hình bà ấy rồi.” Dứt lời, bé Dung liền nắm lấy tay của Ngọc Út kéo nàng đi.
Trên con đường đất đỏ không có lấy một bóng người, có lẽ tất cả đều đang tập trung ở sân đình.
Trong những năm đất nước bị giặc Pháp đô hộ, chúng đã thay thế tầng lớp Nho sĩ lãnh đạo làng xã được dân chúng bầu chọn bởi đạo đức và học vấn, bằng tầng lớp địa chủ có thế lực, tài sản. Ban đầu trên tỉnh đề nghị ông nội của Ngọc Út đứng ra nhậm chức trưởng làng, bởi xét cho cùng, từ thời cụ tổ, gia đình nàng đã có không ít ruộng đất, của cải. Thế nhưng ông nội nàng vốn dĩ là người kín kẽ, không bao giờ muốn nhúng tay vào chuyện thế sự, cho nên chức trưởng làng nhường lại một kẻ cũng có địa vị khác. Người này sau khi tiếp quản liền nhanh chóng đề ra chức vị bô lão, bao gồm những người già có uy tín và tiếng nói trong làng. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, ông nội Ngọc Út bất đắc dĩ phải trở thành trưởng lão, địa vị chẳng thua kém gì trưởng làng, mà có khi lại còn hơn.
Từ đó về sau, làng họ Trương luôn tuân thủ truyền thống cha truyền con nối, trai trưởng trong nhà kế thừa kẻ đi trước, trở thành người đứng đầu dân làng. Đáng nhẽ ra thầy (bố ruột) của Ngọc Út sẽ là trưởng lão, thế nhưng ông đã sớm qua đời, nên chức vị ấy đến nay vẫn để trống, chỉ còn một vài bô lão từ các gia đình uy tín khác tiếp nối mà thôi.
Anh ruột của Ngọc Út đã âm thầm tham gia vào mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nảy ra không biết bao nhiêu trận chiến khốc liệt chống lại chủ nghĩa áp bức. Song đã vài tháng trôi qua không nhận được tin tức gì của anh, e rằng đã lành ít dữ nhiều.
Từ ngày đất nước bị giặc Pháp đô hộ, ngôi làng họ Trương gần như cũng sống tách biệt với thế giới loạn lạc ngoài kia. Mọi giao thiệp của dân làng với chính quyền cấp trên đều thông qua trưởng làng, mà thật ra một ngôi làng đầy hủ tục nề nếp phong kiến nằm ở vùng xa xôi hẻo lánh thì cũng chẳng khiến bọn công sứ người Pháp bận tâm. Thế nên phép vua còn thua lệ làng, mọi tội trạng của người dân đều đem ra ngoài đình để các bô lão cùng trưởng làng xét xử. Nếu tội nhẹ thì tùy theo mức độ mà xử lý, còn nặng thì khó lòng sống nổi. Chỉ cần phán quyết được đưa ra, thì người dân trong làng có thể tùy ý đem kẻ chịu tội ra mà đánh đập cho tới chết, không thì đem bỏ vào lồng mà dìm xuống sông.
Bà Sáu là người ở đợ nhà lão Lý. Nghe đâu mấy hôm trước bà vợ cả của ông ta kiểm tra lại trang sức thì thấy mất một sợi dây chuyền vàng, lại đúng vào phiên của bà Sáu dọn dẹp lau chùi phòng. Thế là bà vợ cả của lão Lý làm ầm cả lên, từ đầu làng đến cuối làng chẳng ai là không biết chuyện. Bà Sáu dù thế nào cũng một mực khẳng định mình trong sạch, cuối cùng lại bị đưa ra đình làng để các bô lão cùng trưởng làng giải quyết.
Ai mà không biết lão Lý cùng trưởng làng từ trước đến nay giao tình vốn không tồi, thế nên bà Sáu bị phán có tội là chuyện dễ hiểu. Thế nhưng điều khiến Ngọc Út cảm thấy vô cùng phẫn nộ chính là, dù bà ấy có trộm một sợi dây chuyền đi chăng nữa, thì cũng không có lý gì phải tước đi mạng sống của người ta.
Người dân tập trung rất đông ở đình làng, túm năm tụm ba cả bên ngoài cổng để theo dõi phiên xét xử. Ngọc Út quay sang dặn bé Dung, “Em đứng ở đây thôi nhé, không được vào trong đâu đó.”
“Dạ.” Con bé gật đầu, lưỡng lự vài giây mới dám hỏi, “Chị Út ơi, bà Sáu sẽ chết thật hả?”
Ngọc Út không đáp lời, chỉ xoa xoa đầu đứa em gái nhỏ, rồi xoay lưng tiến vào đám đông nhốn nháo.
Bà Sáu bị trói cứng chân tay, trên người đều là những vết thương nặng nhẹ. Gương mặt bà ấy sưng to những cục máu bầm, đôi mắt nhắm nghiền vô lực nằm trên mặt đất. Xung quanh là những người dân vô cảm đứng nhìn, họ thì thầm to nhỏ, thậm chí hừ mũi khinh thường. Chả một ai có ý định tiến tới ngăn lại những kẻ đang ra tay đánh đập tàn bạo người phụ nữ tội nghiệp kia.
Phía xa xa trên dãy bàn kê ngay ngắn chỉnh tề, là các bô lão cùng trưởng làng đang ngồi nhàn rỗi tán dóc. Họ vận lên mình bộ áo dài lụa sặc sỡ, mồm chóp chép nhai trầu, có người còn cầm cả điếu ống lên rít vài hơi thuốc lào. Lão Lý ngồi bên cạnh trưởng làng, thi thoảng nhếch miệng lên cười, chùm râu dê rung lên bần bật… Họ hoàn toàn không quan tâm phía trước một mạng sống sắp bị tước đi.
Mặc dù đã chứng kiến cảnh tượng như thế này không biết đã bao nhiêu lần, thế nhưng trong lòng của Ngọc Út vẫn nặng trĩu. Khóe mắt nàng vằn đỏ, nàng rẽ đám người đang đứng chắn phía trước mà lao ra giữa sân. “Dừng tay lại!”
Ánh mắt đổ dồn về phía nàng, bầu không khí thoáng chốc trở nên yên ắng.
Những kẻ đang cầm gậy gộc vây xung quanh bà Sáu cũng dừng tay, ngơ ngác bị Ngọc Út đẩy sang một bên. Nàng vội ngồi xuống nâng đầu người phụ nữ kia dậy, nghe bà ấy rên lên hừ hừ vì đau đớn mà không tránh được xót thương.
“Cô Út, cô đang làm cái trò gì vậy?” Trưởng làng tức tối đứng bật dậy, ông ta chỉ tay vào Ngọc Út mà mắng, “Từ ngày thầy cô qua đời, cô đúng là càng ngày càng xem thường bậc trưởng bối chúng ta.”
“Nếu thầy còn sống, thầy cũng sẽ không bao giờ đồng ý xử chết người ta.”
Thanh âm của nàng dù có rống giận thì vẫn cứ nhẹ nhàng êm tai. Người ta vì gia thế của nàng, cũng là bởi vì vẻ đẹp đầy mê hoặc của nàng nhiều hơn, mà không ai nỡ cản nàng lại. Thế nhưng cũng nhiều kẻ vì sự xuất hiện đột ngột của Ngọc Út mà trở nên khó chịu, một mực đòi tiến hành xử chết bà Sáu.
Không gian dưới mái đình dần trở nên ngột ngạt căng thẳng, một vị bô lão liền lên tiếng hòa hoãn, “Đấy là quyết định của tất cả chúng ta, dân làng cũng đồng tình. Có tội thì không thể dung túng, cô Út nên đứng qua một bên.”
Bà Sáu yếu ớt run lên, cả cơ thể bầm dập đầy máu me, con mắt bầm tím chỉ mở được he hé. Khóe môi nứt nẻ rách toạc mấp máy thều thào, Ngọc Út phải cúi rạp người mới nghe được bà ấy nói, “Tôi… tôi không… ăn trộm… Bà cả… bà cả vu oan cho tôi…”
Lời kêu cứu đầy khẩn thiết vang lên bên tai khiến trái tim Ngọc Út trĩu nặng. Nàng chỉ là một thiếu nữ mười bảy tuổi, nếu không phải vì ông nội và thầy từng là bậc trưởng lão trong làng, chắc chắn người ta sẽ chẳng nể tình mà đạp nàng ra ngay.
“Chứng cớ.” Ngọc Út ngẩng đầu, ánh mắt sắc lạnh chiếu lên người lão Lý, “Ông bảo bà ấy là kẻ trộm đồ, vậy chứng cớ ở đâu? Sợi dây chuyền nếu là bà ấy lấy đi, thì hiện tại chắc chắn phải tìm ra được rồi. Nhưng sợi dây ấy ở đâu, có ai trong các vị đã nhìn thấy tận mắt hay chưa?”
Yên ắng, không ai đáp lời.
“Vậy vì cái gì luận tội bà ấy, đã thế còn phải xử chết? Mạng người không phải cỏ rác, xin các bô lão nên xem xét lại.”
Dứt lời xung quanh lại vang lên tiếng rì rầm. Lão Lý tức giận nghiến răng ken két, “Bẩm các cụ, đàn bà con gái ai lại có quyền lên tiếng ở nơi thế này? Để chuyện này đồn ra ngoài, lấy đâu là uy tín của cái làng họ Trương này nữa!”
Quả nhiên, gương mặt các vị bô lão cùng trưởng làng đều xám ra tro. Một vị bô lão đập bàn, rống giận, “Người đâu, mau đỡ cô Út ra khỏi đây. Nơi xét xử kẻ phạm tội, không được phép ở đây làm cản trở.” Nói rồi liền vung tay chỉ đạo, “Tiếp tục hành hình phạm nhân tới chết.”
Mắt thấy mấy kẻ cao to lực lưỡng tiến lại, Ngọc Út hốt hoảng ôm chặt lấy thân thể đầy vết thương của bà Sáu, “Khoan đã, các người phải lắng nghe bà ấy. Mọi chuyện xử lý đều cần thông qua lời nói từ hai bên…”
Nhưng chưa nói hết câu, những kẻ kia đã vây xung quanh Ngọc Út, chẳng cần dùng sức cũng thô bạo kéo người đàn bà đáng thương ra khỏi vòng tay của nàng. Ngọc Út hốt hoảng định với lấy cánh tay của bà ấy, nhưng cuối cùng lại bị đẩy ngã ra đất.
Có ai đó mạnh mẽ ôm lấy eo nàng, trong giây lát kéo nàng đứng lên. Chỉ nghe thanh âm trầm thấp vang lên bên vành tai, trái tim của Ngọc Út cũng trở nên run rẩy, “Đi thôi Út, nơi này không dành cho em.”
Người đàn ông ấy không đợi Ngọc Út phản ứng, một mực siết lấy bàn tay nàng, kéo nàng ra khỏi đám đông. Phía sau vang lên tiếng gậy gộc đập trên thân thể, Ngọc Út hoảng hốt định ngoảnh lại nhìn, nhưng cánh cổng đình đã xa khỏi tầm mắt.
Dừng lại bên một hồ sen nhỏ đã lụi tàn chẳng có lấy một bóng người, lúc này Ngọc Út mới lên tiếng gọi, “Anh Miến…”
Ánh mắt anh phủ đầy lãnh đạm, gương mặt nam tính nhưng lạnh lùng chẳng có lấy một tia cảm xúc. Anh lặng lẽ nhìn ra xa xăm, lòng bàn tay siết chặt, hồi lâu sau hạ một quyền lên thân cây sần sùi bên cạnh. “Con mẹ nó!” Anh mắng, âm thanh vang lên đầy tự trách.
“Anh Miến…”
“Chúng ta không làm gì được đâu, không thể được đâu, Út à.”
Người đàn ông vóc dáng cao lớn, rốt cuộc lại bất lực ngồi xuống gốc cây. “Bọn chúng nào khác tay sai cho lũ giặc.” Miến cười nhạo, anh cầm một viên đá lia xuống mặt hồ.
Trong lòng nặng trĩu, Ngọc Út thẫn thờ ngồi xuống cạnh anh. Cả hai không ai lên tiếng, ngoài âm thanh của những hòn đá chạm xuống mặt nước, thì bầu không gian hoàn toàn tĩnh lặng, thanh bình.
“Út.” Thật lâu anh mới lên tiếng.
“Dạ?”
“Sau này đừng dính vào những chuyện như vậy nữa. Anh không muốn thấy em bị bất cứ thương tổn nào cả.”
Anh Miến nói đúng. Anh và nàng chỉ là một người dân tầm thường nhỏ bé, sống trong những hủ tục khắc nghiệt cùng xã hội bạo loạn vì thực dân Pháp cùng quân Trục xâm lăng. Dù trước mắt là cảnh oan khốc bạo tàn, thì cũng làm gì có quyền lên tiếng.
“Dạ, em biết rồi.” Ngọc Út khe khẽ gật đầu, “Anh Miến đừng quá lo lắng.”
Ánh mắt dịu dàng của anh rót lên người Ngọc Út, dù đã quá quen thuộc nhưng vẫn khiến gò má nàng ửng đỏ. Anh nói: “Đợi anh một năm nữa thôi, anh lên tỉnh xin việc làm rồi sẽ trở về cưới Út.”
Cuộc đời người con gái chẳng có ước mơ gì xa xăm, chỉ cần lấy được một tấm chồng tử tế đã cảm thấy viên mãn an yên rồi. Ngọc Út mỉm cười, gánh nặng trong lòng như được đẩy đi.
“Anh Đậu vẫn chưa có tin tức gì sao Út?” Đậu chính là tên của anh trai Ngọc Út, gần ba tháng nay không hề thấy anh gửi về một bức thư nào cả. Ngọc Út thở dài, nàng lắc đầu, “Dạ chưa, em lo quá, không biết anh ấy giờ ra sao rồi.”
Hiện tại quân Việt Minh vẫn đang âm thầm tạo ra những cuộc khởi nghĩa chống áp bức bóc lột của giặc Pháp, nghe nói số chiến sĩ hi sinh nhiều không đếm xuể. Chỉ e anh trai nàng cũng lành ít dữ nhiều.
“Út đừng nghĩ ngợi nhiều. Anh Đậu ở hiền gặp lành, sẽ không xảy ra chuyện gì cả đâu.”
Anh Miến vuốt ve mái tóc dài của nàng, bàn tay ấm áp nhẹ chạm vào má nàng một cái. Ngọc Út giật mình, nàng bối rối ngước nhìn anh.
Khoảng không gian trước mắt bỗng chợt chỉ thu lại bằng bóng hình người đàn ông này. Anh là người đầu tiên đem lại cho nàng cảm giác được yêu thương, nhưng không hiểu vì sao, mỗi khi ở bên cạnh anh, trong lòng nàng lúc nào cũng là một cỗ bất an lo lắng.
Sợ anh rời đi, sợ anh bỏ rơi mình.
Sợ anh còn bận cho tương lai, sợ anh sẽ chẳng nhớ đến cô gái thôn quê nhút nhát này.
Nỗi sợ ấy cứ ngày một nhân lên, khiến nàng luôn không cảm thấy an toàn.
“Anh Miến định xin việc gì ở trên tỉnh vậy?” Ngọc Út nhẹ nhàng chuyển chủ đề.
“Ừ, anh có quen mấy người bạn trên tỉnh, chúng nó biết nhiều mối buôn tốt lắm.” Gương mặt của anh vừa nghiêm túc lại có phần quyết tâm, anh nói, “Người trên tỉnh và thành phố rất thích ăn diện, nếu biết cách tìm nguồn vải đẹp, có thể mở ra một thị trường may mặc mới…”
Tuy Ngọc Út nghe không hiểu nhiều về việc anh đang nói, thế nhưng nàng biết, chuyện này đối với anh rất quan trọng. Nàng mỉm cười gật đầu, “Anh Miến làm gì em cũng sẽ ủng hộ anh.”
Gió từ hồ nhẹ thổi, mang theo hương nồng của cỏ cây, đất trời.
“Út, đừng thương ai khác nhé.”
Là lần đầu tiên, anh đối với nàng mà chân thành đến vậy. Ngọc Út ngẩn ngơ, nhìn ánh mắt đầy mong chờ của đối phương mà hơi do dự. Nàng có thể đợi, có thể chỉ yêu một mình anh, nhưng liệu, anh có mãi mãi dành tình cảm yêu thương đó cho nàng hay không?
“Không trả lời tức là đồng ý nhé.” Anh mỉm cười búng vào chóp mũi của nàng.
Bàn tay to lớn đầy vết chai sạn của anh nhẹ nhàng siết lấy bàn tay của Ngọc Út. Nàng nhìn nơi mười ngón tay đang đan chặt, một cỗ cảm xúc kỳ lạ dâng ngập đáy lòng. Chỉ là những suy nghĩ ấy, nàng chưa từng nói ra, cũng không có ý định sẽ nói với anh.
Thôi thì, tất cả cứ phó mặc cho ông trời sắp xếp.
Sẩm tối trở về, cái Dung đang ngồi ngẩn ngơ trên bậc thềm. Thấy Ngọc Út, con bé mới giật mình đứng lên, “Chị Út về rồi đấy à?”
Nhìn sắc mặt xanh xao của đứa em gái nhỏ, nàng hiểu chắc chắn con bé đã chứng kiến được cảnh tượng đáng sợ kia. “Ừ, đã ăn cơm chưa?”
“Bà Sáu bị người ta đánh chết, rồi quẳng xác ra khỏi làng rồi chị Út.”
Trái tim Ngọc Út thắt lại, cõi lòng như có người dày xéo. Nàng không đáp lời của bé Dung, lặng lẽ ngồi xuống bậc thềm, “Ngoan, lại đây chị Út ôm.”
Bé gái mười tuổi nhanh nhẹn chui vào vòng tay của Ngọc Út. Nàng xoa xoa đầu con bé, thì thầm vào tai nó, “Có một số chuyện phải học cách chấp nhận. Sau này lớn lên em sẽ hiểu thôi.”
Anh Miến nói đúng, trong cái xã hội loạn lạc này, những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể ngậm ngùi chấp nhận cúi đầu. Phản kháng lại chính là tội chết, nếu muốn sống tốt thì chỉ còn cách ngoảnh mặt làm ngơ.
“Con Út, con Dung vào ăn cơm đi. Để thầy u mày chờ tới chừng nào?”
Nghe giọng của u (mẹ) khó chịu vang lên từ trong nhà, hai chị em liền vội vàng đứng lên.
Sau khi thầy qua đời, u liền tiến thêm bước nữa. Hàng xóm láng giềng rèm pha dị nghị, thế nhưng bởi gia đình Ngọc Út từ lâu đã có tiền quyền, người ta dù có ghét thì cũng chỉ dám nói sau lưng.
“Hồi chiều ở đình con Út hỗn quá, các bô lão nói u mày ghê luôn.” Bà Tô Thị Vân nhận lấy bát cơm Ngọc Út vừa bới, đoạn hằn học cầm đôi đũa gác trên mâm lên mà mắng, “Mày mà còn như vậy nữa rồi có ngày cũng bị đuổi khỏi làng.”
Ngọc Út không dám cãi lời u, nhưng trong lòng nàng toàn là buồn bực khó chịu.
Từ sau khi ông nội mất thì gia đình nàng không còn giữ truyền thống đàn ông trong nhà thì ăn ở mâm trên bàn, còn các con cháu gái thì chỉ được trải chiếu ngồi mâm dưới nữa. Thế nên dượng cũng ngồi chung mâm cơm với ba mẹ con nàng. Ông cười cười nói, “Thôi u nó bớt giận. Cái Út còn trẻ người non dạ, chưa suy nghĩ được chu toàn như u nó.”
Thật ra dượng cũng là một người đàn ông hiền lành, tử tế, ông chưa từng nặng lời hay quát tháo mấy anh chị em cô. Chỉ là Ngọc Út vẫn không thể nào gọi ông được một tiếng thầy.
“Nói gì thì nói, con Út làm vậy là quá vô lễ. U mày có thương nên mới nói thôi, chứ không phải nhà khác, người ta đã mang roi ra phạt rồi.”
Dượng vừa dứt lời, Ngọc Út quả thực đã không còn muốn ăn nữa.
“Mời dượng và u xơi cơm.” Nàng bưng bát cơm lên, lãnh đạm gắp từng miếng nhỏ. Miệng lưỡi đắng ngắt, thức ăn thơm phức trên mâm trở nên vô vị.
Bữa cơm tối diễn ra trong lặng thinh.
Hơn tám giờ, cả ngôi làng đã chìm trong bóng tối. Những mái nhà tranh vách đất cùng ánh đèn dầu le lói qua ô cửa phía xa xa ẩn hiện giữa màn đêm dày đặc.
Ngọc Út ngồi bên cửa sổ, phe phẩy quạt nan hong khô mái tóc ướt thơm thoang thoảng mùi bồ kết. Ánh mắt xinh đẹp lãnh đạm hướng ra xa xăm, hóa ra bóng tối cũng khiến lòng người trống trải và hụt hẫng đến như vậy.
Có tiếng bước chân chạy rầm rập trên cầu thang. Chỉ giây lát sau, giọng của con Hến đã vang lên ngay ngưỡng cửa, “Cô Út, cô Út ơi.”
Hến là con bé giúp việc trong nhà Ngọc Út, cũng chỉ kém nàng chừng hai tuổi. Nó theo nàng từ nhỏ, càng lớn càng phổng phao xinh đẹp. Thế nhưng vụ cháy kho thóc cách đây hai năm đã khiến một bên gương mặt nó bị phỏng nặng. Ngọc Út thương con bé lắm. Đợt đó nàng đưa nó chạy chữa khám đông khám tây, may mắn làm sao ở làng bên cạnh có thầy thuốc giỏi, thế nên mới không bị hủy hoại gương mặt. Dù bây giờ vẫn để lại những vệt sẹo lồi lõm, thế nhưng đã không còn quá đáng lo ngại. Nàng tiến tới mở cửa, kinh ngạc hỏi nó, “Làm sao thế?”
Gương mặt bầu bầu của con Hến đỏ bừng, mồ hôi nhễu xuống trán nhưng lại chẳng giấu được vui vẻ, “Em thấy mấy đứa bé làng bên bảo, cái Na từ trên tỉnh về lúc chiều rồi đó cô Út.”
Đã hơn cả tháng trời không được gặp Na.
Trong lòng không tránh được cảm giác nhộn nhạo, đáy mắt dâng lên đầy hân hoan. Thế nhưng giây lát sực nhớ ra, sắc mặt trở nên nghiêm trọng, nàng đưa ngón tay lên miệng ra dấu, “Khe khẽ không u nghe thấy. Đi, chúng ta qua làng bên một chút.”
Con Hến cầm đèn dầu đi trước, ánh lửa lập lòe cháy hắt hai chiếc bóng mờ mờ xuống nền đất đỏ. Ở thôn quê, chỉ cần hơn bảy rưỡi tối là đã chẳng có một bóng người trên đường. Ngọc Út đi sát lại cạnh cái Hến, nhỏ giọng nói chuyện để xua đi nỗi sợ bóng tối âm trầm, “Na về từ chiều mà sao không thấy qua gặp cô nhỉ?”
“Cô Út cũng biết rồi mà, bà chủ không bao giờ muốn cô giao du với người làng bên ấy, đã thế lại còn là cái Na…”
Giọng nói của Hến nhỏ dần rồi lặng thinh, chỉ còn nghe tiếng nó thở dài.
Nỗi buồn phiền tránh không được mà lại nhân lên, Ngọc Út hoàn toàn có thể hiểu lý do mà u triệt để cấm nàng không được lại gần cái Na.
“Nhưng mà rốt cuộc cái Na mắc căn bệnh gì ngoài da vậy nhỉ, mà lúc nào cũng phải che mạng? Thực sự không thể chữa khỏi sao cô Út?”
Thỉnh thoảng có cơn gió quét qua, mang theo hương thơm của lúa chín thổi từ ngoài cánh đồng cùng âm thanh của những chiếc lá rào rạo rơi xuống mặt đất. Ánh đèn dầu hắt lên hàng mi cong dài của Ngọc Út, nàng trầm lặng không đáp lời.
Cái Na là học trò của vị lang trung có tiếng ở làng bên. Chính thầy ấy vẫn còn đang trăn trở tìm cách cứu chữa cho con bé, đôi lúc rơi vào bế tắc vô vọng. Chỉ có điều là, ông chưa bao giờ vì căn bệnh quái lạ của cái Na mà từ bỏ con bé.
Giống như Ngọc Út, dù là bị u cấm đoán, nàng vẫn nhịn không được mà muốn nhìn thấy Na.
“Em rất thích cái Na, dù trông nó có xấu xí đến mấy cũng không quan trọng.” Thật lâu mới nghe con Hến lên tiếng, “Chỉ là em chưa bao giờ được thấy gương mặt của nó.”
Đúng vậy, không một ai, ngoại trừ nàng.
Đêm tối tĩnh lặng, bầu trời chẳng có lấy một ánh sao. “Em có chắc sẽ vẫn muốn chơi với Na không, nếu em thấy được gương mặt của nó?” Ngọc Út duỗi ngón tay lên khoảng không gian đen kịt, mơ màng trong tâm trí lại hiện ra gương mặt của người con gái ấy, tựa như đang thực sự được chạm vào.
Chỉ là mong muốn đó, sẽ chẳng bao giờ có thể thực hiện.
“Cô Út nói vậy là ý gì ạ? Em nghe không hiểu.”
“Có những chuyện, không nên biết sẽ tốt hơn.”
“Ơ, dạ…”
Chặng đường còn lại, con Hến yên lặng không lên tiếng.
Căn nhà vách đất đơn sơ nằm chơ chọi giữa một khoảnh đất trống trên cánh đồng mênh mông. Xung quanh bốn bề tĩnh lặng, ngoài điểm sáng duy nhất trên tay của cái Hến thì tuyệt nhiên phía trước đều là bóng đêm vô tận.
Cánh cổng dựng bằng tre khép hờ, Ngọc Út vội vã kéo cái Hến bước vào trong sân. Khóe môi không nhịn được mà cong lên khi thấy ánh đèn dầu chập chờn hắt qua khe cửa, nàng đưa tay gõ nhẹ lên vách, thanh âm không giấu được chờ mong, “Na ơi, chị Út nè.”
Trong nhà vang lên tiếng dép loẹt quẹt, giống như lưỡng lự một hồi, cánh cửa trước mặt mới hé mở.
Nhờ ánh đèn dầu mờ nhạt, Ngọc Út rõ ràng nhận thấy tia rạng rỡ thoáng hiện lên trong đáy mắt của người ở bên trong. Gương mặt nhỏ nhắn ấy đã bị che khuất bởi một chiếc mạng lớn, lại đứng sau cánh cửa kia, trông vừa bí ẩn lại vừa cổ quái.
“Muộn rồi sao chị Út lại đến đây?”
Thanh âm khàn khàn lại có hơi hướng trầm thấp của người phía trong vang lên. Mặc dù vô cùng khó nghe, thế nhưng chẳng hiểu sao Ngọc Út lại luôn ưa thích giọng nói này. “Chị nghe nói em đã về nên qua thăm em một chút. Thật sự chị rất nhớ Na.”
Cái Na thoáng ngẩn người, giây lát sau mới “À” lên một tiếng.
Thái độ hời hợt của người kia bỗng nhiên khiến trong lòng cảm thấy khó chịu, nàng giận dỗi nói, “Em về mà không thèm tới gặp chị luôn.” Sau đó nhận ra bản thân vẫn đang phải đứng ngoài, Ngọc Út kinh ngạc giữ lấy cánh cửa, “Không định để chị vào luôn hả?”
Người kia bối rối cụp mi, lại càng khiến nàng thêm bực bội. “Mở cửa ra cho chị.”, nàng cao giọng ra lệnh.
“Cơ thể có chút không khỏe, mai em sẽ tới tìm chị Út.”
Nói rồi, cái Na định đóng cửa lại, thế nhưng đã bị Ngọc Út một mực giữ lấy cánh tay. Lực đạo của nàng không hề nhẹ, khiến cho người phía trong rên lên, “Ai ui!”
Bên cạnh, con Hến tái mặt kéo kéo vạt áo của Ngọc Út, “Cô Út ơi, cô nhẹ tay thôi, cái Na nó đau đấy.”
Ngọc Út mới như sực nhớ ra con bé Na cơ thể luôn yếu ớt, lúc này giống như chỉ còn nắm nhẹ lấy cánh tay khẳng khiu kia, nhưng nàng vẫn bướng bỉnh,